Khi những kỳ thi đang đến gần, đây sẽ là giai đoạn cực kỳ căng thẳng, là thời điểm mà trẻ chắc chắn sẽ mang trên mình nhiều gánh nặng, áp lực và nhạy cảm hơn bình thường. Áp lực đồng trang lứa, áp lực điểm số, áp lực do chính bản thân các con tự tạo ra… là những áp lực mà con phải “gánh vác”. Bên cạnh đó, áp lực cũng có thể từ phụ huynh gây ra, đè nặng lên các con. Chính vì vậy, cha mẹ cần động viên, cổ vũ tinh thần các con, tránh những câu nói gây áp lực và tạo cảm xúc tiêu cực lên con cái.
Đừng tạo áp lực cho trẻ trong thời gian ôn thi.
1. Không nên nói những câu chê bai con hay so sánh con với “con nhà người ta”
“Dốt nát thế này làm sao đạt được điểm cao”
“Lười cho lắm vào giờ mới học thì sao mà kịp được”
“Nếu con không đỗ, bố mẹ không biết giấu mặt đi đâu”
“Sao con nhà A học giỏi thế nhìn lại con đi”
Khi nhận thấy tình hình học tập của con không đạt kỳ vọng của cha mẹ khi thời gian diễn ra kỳ thi quan trọng sắp tới, phản ứng đầu tiên của cha mẹ thường là chê bai, trách móc, cho rằng con không thông minh, con học không giỏi như người ta. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn dùng những lời lẽ nặng nề để nói với con, nói con ngu dốt, lười biếng, nhiều cha mẹ có tâm lý so sánh, không tin tưởng vào khả năng mà con mình có thể làm được.
Trên thực tế, việc buộc tội con kém cỏi những câu nói nặng nề không khiến cải thiện được tình hình học tập của con tốt lên. Việc so sánh con mình với con người ta là cách giáo dục ngớ ngẩn nhất, gây hại vô cùng cho trẻ. Một khi thấy bản thân mình không thể bằng "con nhà người ta", trẻ dễ tổn thương lòng tự trọng, nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Không những thế, trẻ càng nghi ngờ, tự ti về khả năng của bản thân, nghĩ bản thân mình sẽ không thể làm tốt được khi phải đối mặt với kỳ thi.
2. Không nên nói những câu “dọa nạt” con
“Nếu con không làm tốt làm kiểm tra này thì…”
“Con mà bị điểm kém về đây cứ liệu hồn”
“Bố mẹ sẽ phạt nếu điểm con thấp hơn A”
Một số phụ huynh cho rằng tạo ra áp lực sẽ khiến con có ý thức trong học tập để học tốt hơn. Chính vì thế, bậc phụ huynh thường xuyên “dọa nạt” con cái bằng cách đưa ra những hình phạt nếu con làm bài không tốt.
Tuy nhiên, điều này chỉ khiến cho con lo lắng, sợ hãi, mất hứng học tập, sự áp lực này có hại cho tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Nếu liên tục diễn ra tình trạng này sẽ dẫn đến trẻ không thể tập trung học tập, từ đó điểm số sẽ không được như kỳ vọng mong đợi.
3. Không nên nói những lời động viên gây phản tác dụng
“Bố mẹ không tin con kém cỏi hơn người khác”
“Thi trượt cũng không sao đâu con”
“Con không phải làm gì cả, chỉ cần tập trung ôn thi thôi”
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khi dùng những lời nói như vậy sẽ giúp con cái giải tỏa được áp lực, giúp chúng cảm thấy thoải mái.
Trên thực tế, việc khuyến khích con sai cách này sẽ gây phản tác dụng đối với trẻ. Đây là tư tưởng sai lệch, một đứa trẻ cả ngày chỉ đặt tâm trí vào việc học, ngồi học liên tục nhiều giờ đồng hồ mà không có những hoạt động đời sống, hoạt động vui chơi thì liệu có đạt được hiệu quả cao?
Không những thế, những câu nói này của cha mẹ có thể khiến con tự đại hay thậm chí sẽ xao nhãng việc học. Trẻ sẽ cảm thấy mình hơn người khác, mình là “trung tâm” của gia đình, mọi người phải phục tùng mình. Dần dần, việc học sẽ là cái cớ để đứa trẻ đe dọa cha mẹ, cha mẹ không dám quấy rầy. Đến khi điểm thi không như mong muốn, trách nhiệm sẽ được chuyển sang cha mẹ.
Cha mẹ cùng đồng hành với con trong học tập.
Tạo áp lực để giúp con chăm chỉ học tập hơn hay động viên con để con có tinh thần thoải mái trước kỳ thi là những cách dạy con riêng của từng bậc phụ huynh. Tuy nhiên, không phải cách dạy nào cũng có hiệu quả đối với trẻ.
Trong thời điểm này, bậc phụ huynh nên cảm thông để trẻ chia sẻ những áp lực cũng như những tiêu cực cho mình, từ đó sẽ cùng trẻ giải quyết vấn đề, giảm bớt lo lắng và giúp trẻ thể hiện tốt hơn. Phụ huynh nên giúp con có phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả trước khi thi. Đặc biệt, cùng con có cái nhìn nhận, niềm tin và thái độ, trạng thái tích cực trước khi con bước vào kỳ thi quan trọng. Hãy truyền động lực cho con bằng cách khích lệ và tin tưởng vào khả năng của họ, và nhấn mạnh vào việc hỗ trợ và động viên trong quá trình học tập và thi cử.