Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những câu hỏi bỏ ngỏ xung quanh vụ cán bộ xã dính án ma túy

(DS&PL) -

Từng là cán bộ đoàn, văn hóa, thống kê của xã Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang, Thào Pà Hờ bị bắt do nghi vấn liên quan đến đường dây ma túy cách đây gần 30 năm.

Từng là cán bộ đoàn, văn hóa, thống kê của xã Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang đến năm 2004 mới nghỉ việc, Thào Pà Hờ bị bắt do nghi vấn liên quan đến đường dây ma túy cách đây gần 30 năm.

Bị cáo Thào Pà Hờ tại tòa.

Từ cựu công an tăng cường đến “trùm” ma túy

TAND tỉnh Tuyên Quang vừa đưa bị cáo Thào Pà Hờ (SN 1964, trú tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) ra xét xử về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Phiên xử diễn ra khá căng thẳng với nhiều tình tiết bất ngờ, cùng các căn cứ pháp lý xác đáng được các luật sư đưa ra tranh luận, phân tích, mổ xẻ tại tòa. Sau 5 ngày nghị án, đến ngày 17/3/2020, TAND tỉnh Tuyên Quang đã phải quay lại phần xét hỏi rồi tuyên bố tạm dừng phiên tòa đến 15/4/2020 sẽ triệu tập thêm các đương sự khác để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, khoảng năm 1990-1991, Nguyễn Văn Hướng (SN 1962, trú tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là cán bộ Công an huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được tăng cường về làm công tác an ninh tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ, Hướng đã nhiều lần bán thuốc phiện cho Thào Pà Hờ và Mua Dũng Mỷ (em rể của Hờ). Trong đó, Hờ là người trực tiếp thỏa thuận việc mua bán thuốc phiện với Hướng, còn Mỷ chỉ là người đi cùng, thử thuốc và vận chuyển cùng Hờ.

Cách thức mua bán hàng cấm được các đối tượng thỏa thuận như sau: Khi nào Hướng có thuốc phiện sẽ thông báo cho Hờ và Mỷ đến phòng của Hướng tại UBND xã Sủng Là (nơi Hướng được bố trí riêng 1 phòng trong thời gian tăng cường-PV).

Khi đến, các đối tượng sẽ kiểm tra chất lượng hàng, nếu đồng ý mua thì những ngày phiên chợ, dân đi lại nhiều, Bộ đội biên phòng không kiểm soát được, Hờ và Mỷ sẽ đến nhận thuốc phiện tại phòng của Hướng rồi tự đem về. Những ngày không phải phiên chợ, Bộ đội biên phòng kiểm tra thì đích thân Hướng sẽ mang thuốc phiện đến nhà riêng giao cho Mỷ. Việc này cũng là do Hướng và Hờ thống nhất với nhau từ trước.

Số thuốc Hờ và Mỷ mua của Hướng, khi nào các đối tượng bán xong sẽ đem tiền đến Ủy ban trả cho Hướng. Nguyễn Văn Hướng đã khai nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra vụ án trước (đã xét xử năm 2005-2006). Đến nay, khi được gọi hỏi, Hướng vẫn khai nhận có cùng Hờ và Mỷ thực hiện 4 lần mua bán tổng số 7,5kg thuốc phiện.

Mặc dù Mua Dũng Mỷ đã chết năm 2012 khi đang thi hành án phạt tù, nhưng trước khi Mỷ chết, cơ quan điều tra đã thu thập được các lời khai của Mỷ có liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hướng và Thào Pà Hờ. Lời khai của Mỷ xác định năm 1990-1991, Mỷ đã cùng Hờ mua thuốc phiện của Hướng, tổng cộng 4 lần mua là 7,5kg thuốc phiện.

Về phía Thào Pà Hờ khai có biết Nguyễn Văn Hướng là công an tăng cường công tác tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang nhưng Hờ không khai nhận có thực hiện các hành vi phạm tội cùng Hướng và Mua Dũng Mỷ.

Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng lời khai của Hướng và Mỷ phù hợp với nhau, phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án thấy đủ căn cứ kết luận trong 2 năm 1990 – 1991, Hờ và Mỷ đã 4 lần mua trái phép 7,5kg thuốc phiện với Nguyến Văn Hướng.

Các đối tượng Mua Dũng Mỷ và Nguyễn Văn Hướng đã bị xét xử trong vụ án khác. Ngày 27/12/2018, Thào Pà Hờ bị bắt theo lệnh truy nã và sẽ được đưa ra xét xử sau.

Nhiều dấu hỏi trong vụ án

Vụ án Thào Pà Hờ mua bán trái phép chất ma túy bị VKSND Tối cao truy tố theo khoản 3, Điều 96, BLHS năm 1985 (khung hình phạt từ 12 năm, chung thân hoặc tử hình).
Là người theo sát vụ án, luật sư Nguyễn Trung Tiệp, thuộc công ty Luật Dragon (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đây là vụ án có “một không hai” trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam”.

Lý do bởi thời gian xảy ra vụ án vào những năm 1990 đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 45, BLHS năm 1985. Tiếp đến, luật sư dành rất nhiều tâm sức nghiên cứu và dành nhiều thời gian đi tìm sự thật khách quan của vụ án, với niềm tin không có chứng cứ để buộc tội thân chủ của mình là bị cáo Thào Pà Hờ.

Luật sư Tiệp dẫn chiếu: Tại trang 5 của cáo trạng chỉ nêu “vật chứng của vụ án đã được giải quyết tại Bản án số 113/2006/HSST ngày 25/12/2006 của TAND tỉnh Tuyên Quang.

Theo quan điểm của luật sư, đây là một vụ án ma túy nhưng CQĐT không thu giữ được thuốc phiện, không có kết luận giám định hàm lượng, trọng lượng chỉ dựa duy nhất vào lời khai của 2 người là Mua Dũng Mỷ đã chết năm 2012 khi đang thi hành án phạt tù và Nguyễn Văn Hướng, người đã thực hiện xong bản án có hiệu lực trong một vụ án khác. Chưa kể, các đối tượng Tiềm là người bán thuốc phiện cho Hướng cũng đã chết, đối tượng Đức là người bán thuốc phiện cho Hướng, do không có họ tên, địa chỉ nên không xác minh làm rõ được.

“Như vậy, không đủ tang chứng, vật chứng, cơ sở chứng minh tội phạm. Việc cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an và VKSND Tối cao chỉ dựa vào lời khai của Hướng nhưng lại mâu thuẫn với lời khai của bị can Thào Pà Hờ để kết tội thân chủ chúng tôi là vi phạm Điều 86 về chứng cứ và Điều 108 về kiểm tra, đánh giá chứng cứ”, luật sư Tiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, lời khai của các đương sự trong vụ án còn nhiều mâu thuẫn. Đó là lời khai của Nguyễn Văn Hướng với Thào Pà Hờ và những ngưới khác. Đây chính là lý do mà TAND tỉnh Tuyên Quang đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu đối chất.

Một điểm bất thường trong vụ án được các luật sư tiết lộ: Các cơ quan tố tụng cho rằng bị cáo Hờ đã có quyết định, thông báo truy nã gửi về địa phương. Nhưng xác minh của luật sư với công an xã, trưởng thôn cho thấy: UBND, Công an xã, thôn không hề nhận được quyết định truy nã bằng văn bản hay miệng nào, cũng không có thủ tục được niêm yết, hoặc truyền thanh theo quy định của pháp luật tại xã, thôn. Trong khi đó, từ năm 1984 đến 2004, bị cáo Hờ, người bị buộc tội vẫn sinh sống, làm việc tại địa phương.

Quá trình điều tra, xác minh, luật sư Tiệp cho biết, Thào Pà Hờ từng là cán bộ Đoàn, Văn hóa, Thống kê của xã Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang đến năm 2004 mới nghỉ việc. Gia đình còn được tặng danh hiệu gia đình văn hóa, các quyền của công dân vẫn được đảm bảo đầy đủ. Nếu như bị cáo Hờ có quyết định truy nã thì tại sao vẫn có thể sinh sống tại địa phương và tham gia các công tác tại địa phương? Đây cũng là câu hỏi khiến vị luật sư trẻ luôn đau đáu.

Với những nhận định, phân tích, lập luận chặt chẽ mà luật sư “mổ xẻ” tại phiên tòa, luật sư Tiệp hy vọng TAND tỉnh Tuyên Quang sẽ chấp nhận đề nghị của luật sư, tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án, để tránh oan sai và niềm tin của người dân vào công lý vẫn còn.

Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 47

Tin nổi bật