Việc lo lắng, hồi hộp là cảm xúc thường thấy và dễ hiểu trước kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến việc phát huy của thí sinh. Vì vậy, các em nên tìm cách kiểm soát cảm xúc đó.
Trước ngày thi vài ngày cha mẹ cần:
Đừng gây thêm áp lực cho con
Với những kỳ thi quan trọng, một số cha mẹ có xu hướng gây áp lực, yêu cầu con phải đạt kết quả cao. Điều này sẽ khiến trẻ thêm áp lực và dễ hoảng loạn trước ngày thi.
Cha mẹ hãy lắng nghe, động viên và tránh chỉ trích con. Nếu con tự tạo áp lực cho mình, bạn hãy giải thích cho con hiểu thất bại trong kỳ thi không phải "tận thế", con vẫn có cơ hội để thi lại trong các lần tới.
Sau kỳ thi, cha mẹ nên tránh hỏi về kỳ thi, chỉ nên cùng con thảo luận những đề tài con hứng thú như các món ăn yêu thích con muốn thưởng thức sau kỳ thi, điểm du lịch con muốn đến...
Đảm bảo con ăn uống đầy đủ
Chế độ ăn uống cân bằng là điều quan trọng đối với sức khỏe của trẻ và giúp các em cảm thấy khỏe hơn trong giai đoạn ôn thi nước rút. Cha mẹ cần lưu ý rằng thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường và caffeine như cà phê, nước tăng lực, đồ ăn nhanh, kẹo, socola... sẽ khiến trẻ mất năng lượng nhanh hơn, ủ rũ và dễ cáu kỉnh.
Ngoài việc chuẩn bị những món ngon đủ dưỡng, cha mẹ có thể khuyến khích con cùng đi chợ để mua thức ăn và gợi ý con chọn những món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe.
Giúp con ngủ đủ giấc
Giấc ngủ ngon giúp cải thiện khả năng tư duy và sự tập trung. Trung bình trẻ em và thanh, thiếu niên cần ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm. Vì thế, cha mẹ nên động viên con ngủ sớm thay vì thức đêm học bài.
Nửa giờ trước khi ngủ, bạn có thể cùng con tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, nghe nhạc... để các em thư giãn đầu óc và ngủ ngon hơn.
Một lưu ý quan trọng là cha mẹ không nên để con học nhồi nhét vào tối trước ngày thi. Ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng và tỉnh táo để làm bài thi. Vài giờ ôn thi hoảng loạn vào phút cuối không giúp trẻ làm bài thi tốt hơn, ngược lại sẽ khiến các em mệt mỏi và khó tập trung.
Giúp con đối mặt với nỗi sợ trước kỳ thi
Đối với nhiều học sinh, thi cử là chuyện đáng sợ nên các em có xu hướng lo lắng tột độ vào sát ngày thi. Lúc này, nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con đối mặt với nỗi sợ, thay vì để con trốn tránh.
Bạn hãy nói với con rằng lo lắng trước kỳ thi là một phản ứng bình thường của con người. Điều quan trọng là con cần biết cách vượt qua nỗi lo này.
Cha mẹ có thể hướng dẫn con thực hiện một số bài tập lấy lại bình tĩnh như hít thở sâu, thả lỏng, nghe bản nhạc yêu thích, đồng thời khuyến khích con nghĩ về thế mạnh của bản thân để cảm thấy tự tin hơn.
Trước khi đi thi các sĩ tử cần:
Ăn sáng đầy đủ
Đừng quên ăn bữa sáng tốt cho sức khỏe, đầy đủ năng lượng vào ngày thi. Bạn có thể thử ăn các loại thực phẩm cung cấp năng lượng lâu dài, như yến mạch, ngũ cốc, bánh mì nguyên cám…
Bạn nên tránh thức ăn chứa nhiều đường bởi chúng chỉ cung cấp năng lượng tạm thời, nó có thể khiến cơ thể bạn mệt mỏi giữa lúc thi.
Đến phòng thi sớm hơn 15 phút
Bạn nên căn thời gian để tới sớm hơn so với thời gian quy định khoảng 15 phút.Việc đến sớm khoảng 15 phút sẽ giúp giúp bạn có đủ thời gian để kiểm tra lại "vũ khí" trước khi vào phòng thi. Đồng thời giúp bạn kịp làm quen với không gian, bối cảnh xung quanh và trong phòng thi.
Không nhồi nhét kiến thức sát giờ thi
Việc tranh thủ 20-30 phút trước giờ thi để ôn luyện hoặc học thêm những kiến thức mới sẽ giúp bạn đạt kết quả tốt hơn không tốt. Việc này sẽ khiến bạn cảm thấy rối bời và kiến thức bỗng “lộn xộn” trong trí nhớ. Chưa kể, ôn quá nhiều kiến thức không có hệ thống khiến bạn dễ rơi vào tình trạng “mất trí nhớ một phần tạm thời”.
Vì vậy, đừng tự gây áp lực cho bộ não của mình, hãy thật thoải mái và dành thời gian thư giãn, giữ tâm lý ổn định để đối diện với đề thi.
Thực hiện một vài động tác thư giãn
Bạn có thể thực hiện một số động tác thư giãn nhẹ nhàng tại chỗ, nhằm thúc đẩy dòng máu lưu thông tốt hơn, giảm căng thẳng trước giờ thi, cụ thể:
Xoay cổ nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.
Duỗi thẳng tay và chân, vươn vai để giảm mệt mỏi.
Xoa bóp hai bên tai từ dưới lên trên nhẹ nhàng vài lần.
Dùng 2 tay day vào 2 mắt để cho mắt được thư giãn, bớt căng thẳng.
Giữ động lực và quyết tâm trong suốt thời gian làm bài
Thời điểm này, hãy hướng về những mục tiêu, ước mơ của bạn để có thêm động lực, quyết tâm làm bài. Hoặc bạn có thể nghĩ đến những người thân, gia đình để bạn phải cố gắng. Việc của bạn lúc này là thể hiện hết tất cả kiến thức mình đã tích lũy được.
Thùy Dung (T/h)