Tiếp tục những câu chuyện sau cánh cửa phòng xét nghiệm, kết quả ADN có thể là nỗi bất hạnh, sự chia ly của gia đình này, nhưng cũng có thể là hạnh phúc, niềm vui đối với gia đình khác...
Hơn 30 năm sống trong sự ghen tuông, nghi ngờ
Trong những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận, dù trong tận cùng của bi kịch vẫn le lói niềm hy vọng cho những cuộc đời và số phận, họ cuối cùng đều phải nhìn vào sự thật để mà tiếp tục sống. Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội kể với chúng tôi câu chuyện mà đến giờ bà vẫn rưng rưng xúc động. Bà Nga nhớ về câu chuyện cách đây không lâu, một người đàn ông quê ở một tỉnh miền Trung dẫn hai người con đã lớn đến trung tâm yêu cầu làm xét nghiệm ADN. Người đàn ông tên H. có khuôn mặt khắc khổ chừng 70 tuổi, lặng lẽ vào phòng làm đơn, đăng ký mẫu thử, trong khi hai người con ngồi bên ngoài phòng chờ với khuôn mặt trầm ngâm.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội. |
Câu chuyện bắt đầu từ thời ông H. còn tham gia công tác. Trong một lần ông H. về thăm nhà cùng một người bạn, ông bắt gặp vợ mình cùng người đàn ông khác đang ngồi nói chuyện trong phòng trong khi “cửa đóng then cài”. Tính cách ông vốn bộc trực, ông nổi máu ghen dữ dội và định tấn công người kia. May thay, người bạn đi cùng ông H. đã kịp ngăn cản lại không thì đã xảy ra án mạng. Sau khi nghe vợ giải thích, ông đã nguôi ngoai nhưng vẫn đem lòng hoài nghi vợ suốt từ thời khắc đó.
Ba mươi năm trôi qua, ông cùng vợ có được hai người con, một trai một gái. Hai người con của ông H. lớn lên khỏe mạnh và đều thành đạt. Nhưng mâu thuẫn gia đình, nghi ngờ về với vợ mình của ông H. ngày càng khoét sâu. Mặc dù ông rất yêu thương vợ nhưng sự ghen tuông vợ với người đàn ông trong lần vô tình gặp nhiều năm trước vẫn làm ông “mất ăn mất ngủ”, luôn giày vò vợ mình mỗi khi tức giận. Vợ ông nhiều lần khóc lóc, con cái cũng khuyên răn bố nhưng không được. Hai người con thương mẹ vì phải sống trong bầu không khí nặng nề, nghi hoặc của người cha.
Nhiều người tìm đến Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội để gỡ bỏ niềm hoài nghi trong lòng. |
Hết nghi ngờ vợ có người đàn ông khác, ông sinh nghi hai đứa con không giống mình, nghi họ không phải con ruột. Ông nghi ngờ hai đứa con là con riêng của vợ và người đàn ông trước đó ông bắt gặp. Sau 30 năm sống trong sự ghen tuông, hoài nghi vợ, người đàn ông sống đến quá nửa đời người, lên chức ông rồi vẫn đưa 2 người con đến trung tâm yêu cầu xét nghiệm quan hệ huyết thống.
Quãng thời gian ngồi chờ kết quả với các thành viên có mặt kéo dài như một thế kỷ. Hồi hộp suốt khoảng thời gian chờ đợi kết quả cho đến khi nhận được tờ giấy kết quả trên tay, ông H. xúc động nghẹn ngào khi hai người con của ông đều có quan hệ huyết thống với ông.
Sự ân hận muộn màng...
Kết quả ấy khiến ông H. thở phào nhẹ nhõm, tự trách bản thân đã nghi oan những người thân yêu, đặc biệt là không tin tưởng vợ trong thời gian qua. Ông cảm thấy vô cùng tội lỗi với hai đứa con của mình đặc biệt là người vợ đã chung sống với ông mấy chục năm nay.
Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm trên tay, ông H. xúc động, không kìm được nước mắt. Ông ôm chầm lấy người con gái và hôn lên mái tóc cô rồi nắm chặt tay người con trai, ông nghẹn ngào thốt lên: “Bố xin lỗi”.
Dường như cảm xúc bấy lâu bị kìm nén được giải tỏa, 2 người con khóc lớn trách móc: “Bố đã thấy chưa, suốt mấy chục năm qua bố làm khổ mẹ con, làm khổ cả các con các cháu. Bây giờ, nếu bố chưa thanh thản thì bố có thể xét nghiệm lại lần nữa”. Ông H. quỳ xuống trước mặt hai người con và hối lỗi: “Bây giờ bố sẽ về chuộc tội với mẹ con”. Ba người ôm nhau cùng òa khóc.
Chứng kiến cảnh tượng này, nhân viên của trung tâm đều ứa nước mắt. Chính bà Nga cũng xúc động trào nước mắt.
Hai người con đều đứng dậy bắt tay nhân viên trung tâm cảm ơn vì đã giúp họ gỡ được “nút thắt” trong lòng ông H. bấy lâu nay. Ông H. chia sẻ với bà Nga: “Nỗi nghi ngờ này đã đeo đuổi tôi hàng chục năm nay, bây giờ tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi đúng là quá mù quáng. Tôi vô cùng cảm ơn bà, cảm ơn trung tâm”.
Bà Nga chia sẻ: “Có nhiều người như ông H., giữ trong lòng sự hoài nghi rất nhiều nhưng không dám đi xét nghiệm. Có thể họ sợ sự thật, hoặc họ không biết tin tưởng xét nghiệm trung tâm nào. Vì vậy, họ phải chịu đựng sống trong sự ghen tuông nghi ngờ mấy chục năm”.
Rất có thể, nhiều bi kịch gia đình sẽ xảy ra sau khi ông H. đưa con đi xét nghiệm ADN. Có thể người vợ sẽ không thể tha thứ cho người chồng đã giày vò bà mấy chục năm qua. Cũng có thể gia đình ông H. sẽ không thể trở nên hạnh phúc, yên ấm... Nhưng điều quan trọng nhất là những hoài nghi trong ông được gỡ bỏ hoàn toàn. Cuộc sống vốn luôn có những biến động, có những trắc trở và trái ngang, đằng sau mỗi số phận có thể là niềm hạnh phúc, có thể là bi kịch.
Bà Nga cho biết: “Mỗi khách hàng đến trung tâm xét nghiệm ADN đều mang trong lòng những nỗi trăn trở, dằn vặt và điều khó nói riêng. Đã có những cặp vợ chồng sau khi nhận tờ giấy kết quả thì ngỡ ngàng vì biết mình “nuôi con tu hú”, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Song cũng có những cặp được giải tỏa những nghi vấn trong lòng, cuộc sống gia đình sau đó trở nên hạnh phúc...
P.L
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 3 (số 165)