Rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi "Liệu các thương hiệu khác sẽ làm thế nào để chạy theo một công nghệ phức tạp như Face ID?". Với Vivo, đó là cái tên, còn với OPPO, đó là chức năng.
Trong lúc các iFan đang bị cuốn theo cơn sốt , các tín đồ Android Trung Quốc cũng đã được tận hưởng những chiếc smartphone “nhận diện khuôn mặt” đầu tiên. Trong những ngày cuối tháng 10, OPPO ra mắt F5 với công nghệ “nhận diện khuôn mặt” sử dụng camera mặt trước.
Chiếc F5 2017 tiếp bước V7+ của Vivo, một thương hiệu khác cũng thuộc tập đoàn BKK. Tuyên bố ra mắt của V7+ khẳng định chiếc điện thoại này có thể “mở khóa ngay lập tức qua nhận diện khuôn mặt”.
Như vậy, 2 thương hiệu vốn luôn “học hỏi” Apple (và Samsung) khá rõ rệt về thiết kế nay cũng đã chạy theo trào lưu công nghệ do Apple khai phá.
Một vài tài khoản chính thức của Vivo thậm chí còn sẵn sàng sử dụng cụm từ "Face ID" để nói về V7+ trong khi "người anh em" OPPO thì gọi tên công nghệ này là "Face Unlock" nhưng vẫn không quên tạo hình ảnh quảng bá "gợi nhắc" đến công nghệ 3D của Apple.
Hiển nhiên, đó cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Apple và 2 đối thủ Trung Quốc: Apple không ngần ngại làm rõ chi tiết về công nghệ quét 2D khuôn mặt và nhận diện bằng mạng neuron trên iPhone X. Trái ngược lại, OPPO và Vivo không hề làm rõ chi tiết về công nghệ nhận diện khuôn mặt của mình.
Theo nhận định của chúng tôi, OPPO và Vivo chỉ sử dụng các biến thể của công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D thông thường – vốn là một bài toán đã được cộng đồng AI/ML/DL giải quyết trong rất nhiều năm vừa qua.
Trên trang web của OPPO Philippines, thương hiệu này còn thừa nhận rằng Face Unlock kém an toàn hơn cảm biến vân tay hay thậm chí là... mật khẩu và pattern.
Vậy, các hãng Trung Quốc này ra mắt một công nghệ sinh trắc học còn kém hơn cả biện pháp truyền thống (mật khẩu, pattern) để làm gì? Câu trả lời được OPPO đưa ra là "sự tiện dụng", song những người tinh ý chắc hẳn cũng nhận ra rằng mục tiêu chính là marketing.
OPPO và Vivo đã luôn muốn chạy theo hình ảnh của Apple, song để "học" đầy đủ được Face ID là không hề đơn giản: theo KGI Securities, đến cả công nghệ nhận diện 3D của Qualcomm vẫn thua kém Apple đến 2 năm.
Liệu các nhà sản xuất chuyên chạy đua cấu hình và chuyên "học" thiết kế từ iPhone có thể bắt kịp Apple trong vài tháng?
Nhưng điều đó không quan trọng. Dù khác biệt bản chất về cách thức thu thập và xử lý dữ liệu, dù thua kém rõ rệt về độ bảo mật và chính xác, Vivo và OPPO vẫn có quyền gọi công nghệ của mình là "nhận diện khuôn mặt" giống như Apple.
Đối tượng khách hàng của hãng này cũng không phải là những người quá sành về công nghệ, và như thế là Vivo và OPPO đã đạt được mục đích "tối thượng": nghĩ đến công nghệ Face ID mới của Apple là thêm một lý do để lựa chọn sản phẩm của họ với mức giá rẻ hơn nhiều.