Việc thương lượng bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đã qua 4 lần nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.
Việc thương lượng bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đã qua 4 lần nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Việc thương lượng đến nay đã kéo dài quá thời hạn theo quy định, đây là lý do trong cuộc thương lượng lần thứ 4, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận lưu ý gia đình ông Nén nếu thương lượng không thành có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự.
Cuộc thương lượng lần thứ 4 giữa đại diện TAND tỉnh Bình Thuận và gia đình ông Huỳnh Văn Nén (Ảnh: LS cung cấp) |
Gia đình ông Huỳnh Văn Nén nộp đơn lên TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu bồi thường vào ngày 11/4 với số tiền 18 tỷ đồng cho 17 năm ngồi tù oan của ông Nén trong 2 vụ án Vườn điều và vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại.
Ngày 25/4, TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén, tiến hành thẩm tra các hạng mục trong đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén để có cơ sở thương lượng bồi thường.
Ngày 4/5, trong buổi làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận về việc bồi thường oan sai cho ông Nén, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận tạo mọi điều kiện cho gia đình ông Nén trong việc bồi thường.
Lần thương lượng đầu tiên giữa ông Nén và Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận được thực hiện vào ngày 20/5/2016. Cuộc gặp mặt thương lượng này được coi là động thái tích cực, khẩn trương sau chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường Nhà nước về việc giải quyết bồi thường oan sai hơn 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén.
Ngày 16/8, TAND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc chính thức lần thứ 2 với ông Huỳnh Văn Nén. Tại buổi làm việc này, luật sư của ông Nén đã đưa ra kết quả giám định tâm thần của ông Nén do Bệnh viện tâm thần Trung Ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) và Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận thực hiện để làm một trong những căn cứ đòi bồi thường. Theo kết quả giám định này, ông Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cộng thêm các tổn thương khác về nội tạng và bên ngoài cơ thể thì tổng cộng ông Nén bị tổn thương 63% sau khi ra tù. (Khi bị bắt ông Nén được cơ quan chức năng xác định là người có sức khỏe bình thường).
Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, hai bên chưa thống nhất một số yêu cầu bồi thường. Phía ông Nén và gia đình vẫn bảo lưu quan điểm chỉ yêu cầu được nhận đúng con số 18 tỉ đồng.
Ngày 31/8, TAND tỉnh Bình Thuận tiến hành cuộc thương lượng lần 3 với gia đình ông Huỳnh Văn Nén. Ở lần thương lượng này, gia đình ông Nén đã rút tổng mức tiền đòi bồi thường xuống 14.137.670.000 đồng, nhưng Tòa chỉ chấp nhận bồi thường với số tiền hơn 10 tỷ đồng cho một vụ án oan giết bà Lê Thị Bông chứ không bồi thường vụ án vườn điều vì ông Nén ngồi tù hai vụ án cùng một thời gian. Một lý do khác đại diện tòa án Bình Thuận đưa ra là nhiều yêu cầu bồi thường ông Nén không chứng minh được thiệt hại.
TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường chi phí cho 3 người đi kêu oan cho ông Nén gồm: cụ Nguyễn Truyện (cha ông Nén), Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể ông Nén) và ông Nguyễn Thận. Những khoản ông Nén yêu cầu bồi thường cho vợ, con cùng một số người thân khác không được chấp nhận.
Lần thương lượng thứ 4 vào ngày 14/10. Sau 1 ngày làm việc, TAND tỉnh Bình Thuận xác nhận cuộc thương lượng lần thứ 4 bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén không thành công.
Cụ thể, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ thống nhất bồi thường ông Nén với tổng số tiền 2.653.400.000 đồng. Đáng nói, trong lần thương lượng này, nhiều nội dung thỏa thuận đã được thống nhất trong cuộc thương lượng lần 3 giữa TAND tỉnh Bình Thuận với gia đình ông Nén đã bị phía tòa bác bỏ, yêu cầu thương lượng lại theo trình tự, cụ thể từng khoản.
Theo thông tin trên Tiền Phong, trong lần thương lượng thứ 4, Tòa chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần cho ông Nén là 932.580.000 đồng. Mức bồi thường tiền thu nhập thực tế của ông Nén bị mất trong những ngày bị giam tăng từ 1.182.300.000 đồng lên 1.184.400.000 đồng.
Trước đó, Tòa đã chấp nhận mức bồi thường tổn hại về sức khỏe của ông Nén là 2.151.070.000 đồng (tiền dự liệu tiếp tục điều trị bệnh gan là 300 triệu đồng, tiền dự liệu tiếp tục điều trị bệnh tâm thần là 200 triệu đồng, tiền thu nhập thực tế bị mất từ ngày 29/11/2015 đến khi ông Nén đủ 60 tuổi là 466.320.000 đồng, thu nhập thực tế của người chăm sóc ông Nén từ 61 tuổi đến 75 tuổi…). Nhưng trong lần thương lượng thứ 4, Tòa bác mọi khoản này, chỉ chấp nhận số tiền chữa mắt cho ông Nén là 35 triệu đồng. Theo tòa, việc dự liệu chữa bệnh cho ông Nén chưa có căn cứ, do ông Nén chưa điều trị. Bên cạnh đó, Tòa cho rằng, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ bồi thường cho người bị kết án oan chứ chưa có quy định về bồi thường cho người chăm sóc, nên Tòa không chấp nhận yêu cầu này.
Mức bồi thường chi phí thăm nuôi ông Nén vẫn được thống nhất là 363.920.000 đồng.
Ở lần thương lượng thứ 3, Tòa đã chấp nhận mức bồi thường thiệt hại uy tín, danh dự của cụ Huỳnh Văn Truyện là 1,5 tỷ đồng, của bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) là 1 tỷ đồng, của ba con ông Nén mỗi người 400 triệu đồng, tổng cộng là 3,7 tỷ đồng. Tòa chỉ không chấp nhận bồi thường 500 triệu đồng cho mẹ ông Nén là cụ Đặng Thị Hường, với lý do cụ đã mất ngày 3/4/2014. Nhưng ở lần thương lượng thứ 4, Tòa không chấp nhận toàn bộ mức bồi thường 3,7 tỷ đồng cho cha, vợ, các con ông Nén. Lý do tòa đưa ra là theo một số văn bản hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự và hoạt động quản lý hành chính thì chỉ bồi thường trực tiếp cho người bị kết án oan, nên người thân của ông Nén không thuộc trường hợp được bồi thường.
Về chi phí thuê luật sư, ban đầu bên yêu cầu yêu cầu bồi thường 2,4 tỷ đồng, sau rút xuống 241,5 triệu đồng. Tuy nhiên Tòa chỉ chấp nhận khoản bồi thường 172,5 triệu đồng, là chi phí cho ba LS thuộc Đoàn luật sư Hà Nội và Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong lần thương lượng thứ 3, Tòa chấp nhận mức 1,5 tỷ đồng (ông Thận 700 triệu đồng, cụ Truyện 500 triệu đồng, ông Nghĩa 300 triệu đồng). Nhưng nay Tòa cho rằng, do bên yêu cầu bồi thường không chứng minh được việc bán tài sản và sử dụng tiền bán tài sản để đi kêu oan như thế nào, nên chỉ chấp nhận mức 12 triệu đồng/năm, tổng số tiền là 200 triệu đồng.
Xem thêm video:
[mecloud]memVFPCsff[/mecloud]