Ông John McCain đã sống phần lớn cuộc đời của mình với chiến tranh, với những đóng góp cao cả cho đất nước và là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain qua đời vì bệnh ung thư não. Ảnh: Getty |
Thượng nghị sĩ John McCain được người dân Mỹ xem như một vị anh hùng, đồng thời ông cũng được nhớ đến trong giới chính trị Mỹ với việc hàn gắn, ngăn chặn sự chia rẽ nội bộ. Vào ngày 25/8 vừa qua, ông McCain đã qua đời, hưởng thọ 81 tuổi, sau khoảng 1 năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Thế nhưng, trên thực tế, bệnh ung thư não dường như cũng không làm ông McCain cảm thấy sợ hãi, chủ yếu là ông thấy buồn khi biết rằng mình sắp phải ra đi.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông McCain trích dẫn câu nói nổi tiếng mà ông yêu thích trong cuốn tiểu thuyết chiến tranh Chuông nguyện hồn ai của của Ernest Hemingway: “Thế giới là một nơi tuyệt vời xứng đáng để chiến đấu và tôi rất ghét phải rời bỏ nó”. Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định rằng: "Tôi ghét phải ra đi".
Dưới đây là những dấu ấn sâu đậm đã tạo nên cuộc đời đáng nhớ của ông McCain:
Tù nhân chiến tranh, người nổi tiếng
John McCain bị bắt vào ngày 26/10/1967 và sau đó bị giam giữ. Chiếc phi cơ A-4E Skyhawk của ông bị một tên lửa bắn trúng trên bầu trời Hà Nội trong khi ông đang thực hiện nhiệm vụ ném bom lần thứ 23 của ông trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ông bị gãy cả 2 tay và 1 chân khi phóng ra khỏi chiếc phi cơ và suýt chết đuối khi nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch. Sau đó, ông McCain bị đưa đến nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội.
Đến năm 1968, ông nhận được đề nghị thả ra sớm hơn so với dự định, xong ông từ chối vì không muốn được đối xử thiếu công bằng so với các tù nhân khác, cũng không muốn bản thân có vai trò tuyên truyền trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Ông McCain bị bắt khi tham chiến tại Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Cuối cùng, ông McCain được trả tự do vào tháng 3/1973. Gần 1 thập kỷ sau đó, ông được bầu vào Hạ viện Mỹ với vai trò là nghị sĩ của bang Arizona. Năm 1986, ông bắt đầu phục vụ ở Thượng viện.
Ông được biết đến như một chính trị gia có quan điểm bảo thủ của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng là một trong 2 người, bao gồm cả ông John Kerry, tích cực vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Vụ bê bối “Keating Five”
Keating Five là tên gọi của vụ việc bê bối 5 Thượng nghị sĩ Mỹ bị cáo buộc tham nhũng vào năm 1989 – làm bùng lên một cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay trong giai đoạn cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Ông John McCain gọi đó là "dấu hoa thị của tôi" – ám chỉ sai lầm tồi tệ nhất trong cuộc đời ông. Cụ thể, ông McCain là một trong 5 thượng nghị sĩ đã nhận được những đóng góp của chiến dịch từ Charles Keating Jr. và sau đó được Keating yêu cầu để ngăn chặn chính phủ tịch thu Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay Lincoln của mình.
Ông McCain đã 2 lần gặp gỡ với các nhà quản lý để thảo luận về cuộc điều tra của chính phủ. Sau đó, ông đã trả lại số tiền quyên góp và thừa nhận sai lầm của bản thân. Tuy nhiên, danh dự của ông đã bị ảnh hưởng vì người ta cho rằng ông đã có “phán đoán kém” trong sự việc, ông Mark Salter – người viết tiểu sử và đồng tác giả cuốn hồi ký của ông McCain nhận định.
Thượng nghị sĩ hàng đầu nước Mỹ
Ông McCain trở thành người có tiếng nói hàng đầu của Đảng Cộng hòa về các vấn đề chiến tranh, an ninh quốc gia và cựu chiến binh. Ông đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ viện Mỹ và nỗ lực làm việc, hợp tác với phía Đảng Dân chủ để viết lại luật tài chính.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, Thượng nghị sĩ John McCain đã bỏ phiếu cho cuộc chiến tranh Iraq và ủng hộ sự gia tăng của lực lượng Mỹ tại đây vào năm 2007. Ngoài ra, ông McCain cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Ông sở hữu một trang trại ở Arizona dành cho 500 loài chim di cư.
Thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng hòa, người đã cùng ông McCain đến Bắc Cực vào năm 2004 và Nam Cực 2 năm sau đó để tìm hiểu về vấn đề biến đổi khí hậu kể lại rằng: “Tôi đặc biệt nhớ đến tình yêu của ông ấy dành cho những con chim. Ông ấy yêu thích các loài chim".
Vận động tranh cử trên chiếc xe Tốc hành trực thoại
Ông McCain tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2000. Ảnh: Reuters |
Trong khi tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2000, ông McCain đã làm một điều mới mẻ - du hành khắp New Hampshire bằng một chiếc xe buýt có tên là Tốc hành trực thoại. Chiếc xe này sẽ dừng lại tại các tòa thị chính để ông trao đổi quan điểm chính trị của bản thân.
Tên của chiếc xe buýt này đánh bóng thêm danh tiếng của ông như là một chính trị gia độc lập nói tiếng nói riêng của mình. Trong những chuyến viếng thăm những thị trấn nhỏ, ông thường nói chuyện 10 phút tập trung vào các vấn đề cải tổ vận động tranh cử, sau đó thông báo là ông sẽ ở lại cho đến khi nào ông trả lời mọi câu hỏi của mọi người. Ông dừng lại trên 200 điểm, nói chuyện tại mỗi thị trấn ở New Hampshire.
Tại New Hampshire năm đó, ông McCain đã đánh bại ông George W. Bush nhưng cuối cùng ông không trở thành đại diện của Đảng Cộng hòa vì thất bại tại Nam Carolina.
Bảo vệ đối thủ Barack Obama
Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông McCain đã nhanh chóng can thiệp khi một người phụ nữ ở Lakeville, Minnesota có mặt tại sự kiện của tòa thị chính bắt đầu đưa ra những nhận xét khác nhau về ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama.
“Ông ấy là người Ả Rập”, người phụ nữ nói, ngụ ý rằng ông Obama không phải người Mỹ. “Không đâu, thưa bà”, ông McCain gần như ngay lập tức phản ứng lại. “Ông ấy là một người đàn ông tốt bụng. Chúng tôi chỉ tình cờ có những bất đồng về các vấn đề cơ bản và đó là những gì mà chiến dịch này mang lại. Ông ấy không phải người Ả Rập".
Mắc bệnh ung thư
Ông McCain được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2017. Ảnh: Reuters |
Vào năm 2017, ông McCain được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não – căn bệnh mà trước đó đã khiến một người bạn của ông – Thượng nghị sĩ Edward Kennedy qua đời năm 2009.
Bạn bè và gia đình nói rằng ông hiểu được sự khắc nghiệt của chẩn đoán này, nhưng rất nhanh sau đó, ông muốn dành thời gian còn lại của cuộc đời để tiếp tục đưa ra những bài diễn văn ý nghĩa tại Thượng viện, kêu gọi những người đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực vì lợi ích của người dân Mỹ. Những đợt điều trị, nhưng vết sẹo trên gương mặt, bầm tím vì phẫu thuật cũng không làm ông rời khỏi bục giảng. Một số nghị sĩ của Thượng viện đã cảm động, đã ôm lấy ông McCain khi chứng kiến sự cố gắng phi thường.
“Trong tất cả những điều đã xảy ra suốt cuộc đời của người đàn ông này, trong tất cả những lần mà cuộc sống của ông có thể đã kết thúc theo cách nào đó, điều này (ung thư) là một trong những mối đe dọa ít ỏi nhất đối với ông”, ông Jack McCain – con trai Thượng nghị sĩ khẳng định.
Bỏ phiếu chăm sóc sức khỏe
Vào tháng 7/2017, Mỹ bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngay sau khi tỉnh dậy từ phòng phẫu thuật não, ông McCain đã đến Thượng viện Mỹ, bỏ phiếu phản đối thay thế Obamacare, nhờ đó mà đạo luật dưới thời cựu Tổng thống Obama vẫn được duy trì cho đến nay.
Tranh cãi với Tổng thống Donald Trump
Vào năm 2016, khi còn là một ứng viên Tổng thống, ông Donald Trump từng công khai chỉ trích ông McCain: "Ông ấy không phải là một anh hùng chiến tranh", ông Trump nói tại một sự kiện ở Iowa. "Tôi thích những người không bị bắt hơn".
Ngay trước Ngày Bầu cử vào năm 2016, ông McCain nói rằng ông sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên Đảng Cộng hòa khác, một người “đủ điều kiện làm Tổng thống Mỹ”.
Thậm chí, quan hệ giữa ông McCain và ông Trump cũng không được cải thiện nhiều sau khi ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa đắc cử Tổng thống.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)