Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Nhìn bệnh nhân ra đi đột ngột mà cả kíp trực bồn chồn”

(DS&PL) -

Hai lần vào tâm dịch, bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm cho biết mỗi lần đi là mỗi cảm xúc khác nhau. Nhưng, anh cũng như các đồng nghiệp đều quyết tâm “diệt giặc Covid”.

Xung phong vào tâm dịch

Rời Tp.HCM sau 2 tháng chiến đấu với Covid-19, bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm (công tác tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cùng đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại Tp.HCM đang thực hiện cách ly được 7 ngày tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh trước khi trở về nhà. Đây là quãng thời gian thảnh thơi sau những ngày tham gia chống dịch tại Tp.HCM.

Trò chuyện với ĐS&PL về những ngày tháng chống dịch đầy căng thẳng, bác sĩ Thiêm cho biết, đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại Tp.HCM gồm 37 người, xuất phát vào Tp.HCM từ ngày 13/7. Sau 2 tháng chống dịch, đoàn đã được về Quảng Ninh thực hiện cách ly đợt 1 hôm 22/9 và đợt 2 hôm 30/9.

“Trong số 37 thành viên của đoàn trở về thì hiện có 4 thành viên dương tính với virus Sars-CoV-2, đang được cách ly và theo dõi sức khoẻ”, bác sĩ Thiêm mở đầu câu chuyện bằng một thông tin khá buồn về đồng đội của mình đã mắc Covid-19 sau khi rời Tp.HCM.

Chia sẻ về lý do thôi thúc anh vào Nam chống dịch, bác sĩ Thiêm cho biết: “Là một người thầy thuốc khoác áo blouse, nên khi theo dõi dịch bệnh ở Tp.HCM căng thẳng đã thôi thúc tôi đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch.

Bác sĩ chăm sóc cho các bệnh nhân F0.

Trước khi lên đường thì ai cũng có cảm xúc, với tôi đây là lần thứ 2 vào tâm dịch. Trước đó, vào đầu năm 2020 tôi đã tham gia đón 30 công dân Vũ Hán về nước qua Sân bay quốc tế Vân Đồn, sau đó tham gia chống dịch ở Bênh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh khoảng 2 tháng và lần này là Bệnh viện Dã chiến số 12 Tp.HCM cũng 2 tháng nên bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được lựa chọn tham gia chống dịch”.

Hay tin con trai, chồng vào Nam chống dịch, bố mẹ và vợ của bác sĩ Thiêm tỏ rõ sự lo lắng, vì theo dõi thông tin thời sự hàng ngày, người thân của bác sĩ hiểu rõ sự nguy hiểm của đợt dịch này, dịch bệnh tàn phá khắp thế giới.

Bác sĩ Thiêm cũng đã phải làm công tác tư tưởng với người thân, động viên, chia sẻ với những lo lắng mà cả nhà dành cho mình. Thế rồi, được sự cảm thông là động lực để anh cố gắng, nỗ lực làm tốt công việc của mình mỗi ngày.

“Ngày lên đường, vợ chuẩn bị đầy đủ từ tư trang cá nhân cho đến phương tiện phòng hộ như khẩu trang, thuốc men rồi dặn dò phải chịu khó ăn uống. Bố mẹ tôi cũng vậy, ông bà cũng không biết nói gì nhiều, chỉ chúc lên đường may mắn, dặn dò mình có khỏe thì mới giúp được người khác...”, bác sĩ Thiêm nhớ lại ngày từ Quảng Ninh vào tâm dịch.

Bác sĩ Thiêm tâm sự thêm rằng, anh xác định trước khi đi là biết cuộc chiến với Covid sẽ rất căng thẳng, nhưng khi đặt chân xuống Tp. HCM, thì anh mới cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt của đại dịch Covid-19.

“Sài Gòn sầm uất là thế nhưng nay không một bóng người, hè phố công viên toàn dây rào kín đường... ngoài đường chỉ toàn tiếng còi hú của xe cứu thương... Một không khí ảm đạm thật khó tả”, bác sĩ Khiêm mô tả lại cảnh tượng mình gặp khi đặt chân đến Tp.HCM.

Mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đặc biệt

Theo lời chia sẻ của bác sĩ Thiêm, đoàn của anh tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (Thủ Đức, Tp.HCM).

“Trong thời gian làm việc thì mỗi ngày trôi qua với chúng tôi đều là một ngày đặc biệt... vì trung bình mỗi ngày chúng tôi đón 100-200 bệnh nhân F0, chăm sóc và điều trị cho 1.000 bệnh nhân”, bác sĩ Thiêm chia sẻ.

Bác sĩ Thiêm nói thêm về tình hình điều trị, các bệnh nhân được phân cấp là Tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng, nên nguồn bệnh nhân rất phong phú, từ người già cao tuổi, đến trẻ con đang bú và rất nhiều người có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, béo phì, bệnh lý tim mạch....

Rồi cảnh chuyển viện, do dịch bệnh tăng, số bệnh nhân nhập viện đông nên gần như các ICU, bệnh viện đều quá tải, không còn chỗ chứa.

“Nên mỗi khi chuyển viện là cả một quá trình vật lộn với người bệnh, thường thì chuyển cấp cứu thời gian là quan trọng nhất, nhưng để liên hệ chuyển được viện thời điểm đó mất ít nhất 1-2 giờ đồng hồ. Trong 1-2 giờ đó, phải làm đủ cách để giữ được hơi thở cho bệnh nhân. Quá trình chuyển bệnh nhân, quãng đường chỉ 20-30km thôi nhưng cảm xúc lúc đó là quá kinh khủng, bạn tưởng tượng được không khi bệnh nhân thở bằng oxy, bóp bóng mà ngoài đường mưa phùn, toàn ánh đèn đỏ nhấp nháy xe cứu thương, tiếng còi hú vang trong đêm khuya càng khiến lòng người như thắt lại”, bác sĩ Thiêm kể về chuỗi ngày điều trị cho các bệnh nhân F0.

Các bác sĩ làm việc hết công suất.

Theo bác sĩ Thiêm, mỗi người vào viện đều kèm theo nhiều câu chuyện, vui có buồn có. Vui vì họ được nhập viện cùng gia đình, rồi cả gia đình đều khỏe mạnh và ra viện. Buồn vì có 1, 2 thành viên phải thở oxy, thở máy... buồn hơn là gia đình có tang thương khi vợ mất, chồng mất, ông bà mất... có người thì chỉ còn mỗi một mình...

Khi nhắc về một trường hợp bệnh nhân khiến bản thân thấy ám ảnh nhất, bác sĩ Thiêm bảo rằng, đó là quá trình điều trị cho bệnh nhân nam (50 tuổi), đơn thân, bệnh nhân có bệnh lý nền lao...

“Sau khi chuyển xuống khu cấp cứu được 4 giờ thì bệnh nhân diễn biến nặng... tử vong, được chẩn đoán ho ra máu sét đánh (Tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh-PV), máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu đóng đông từng cục gây tắc đường thở, những bệnh nhân này tỉ lệ tử vong gần như 100%... Nhìn bệnh nhân tử vong mà cả kíp trực bồn chồn, không làm gì được cho bệnh nhân. Bệnh nhân này ra đi đột ngột, không có người thân, chúng tôi liên hệ mãi thì gặp được một người cháu để lo thủ tục”, bác sĩ Thiêm ngậm ngùi.

Thời gian rảnh, bác sĩ lại tranh thủ gọi điện về cho gia đình.

Tạm quên đi những ký ức không vui, bác sĩ Thiêm kể rằng trong quá trình điều trị, có những ca bệnh rất nặng nhưng đã được các y bác sĩ cứu chữa thành công.

“Điển hình một gia đình có 5 người thì 4 người F0 nhập bệnh viện chúng tôi điều trị. Người lớn tuổi nhất là 70 tuổi, sức khoẻ kém nên được chuyển xuống khu cấp cứu sau 4 ngày thì sức khoẻ ổn định nhưng sau đó lại diễn biến nặng phải chuyển viện cấp cứu. Sau gần 1 tháng điều trị bệnh nhân được ra viện. Khi trở về nhà, bệnh nhân vẫn thường liên lạc với chúng tôi và nói lời cảm ơn.

Hay có những bệnh nhân là người nước ngoài, họ cũng biết ơn và cảm ơn chúng tôi vì đã chăm sóc, điều trị cho họ trong suốt những ngày tại Bệnh viện Dã chiến. Bởi, có những lúc bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng, đòi tự tử vì sợ, vì đau, vì nhiều lý do... Khi ấy, chúng tôi vừa là bác sĩ, vừa là người thân động viên họ để họ an tâm chữa bệnh, vượt qua được bệnh tật”, bác sĩ Thiêm bộc bạch thêm.

Giờ đây, khi đã trở về Quảng Ninh, đang thực hiện cách ly theo quy định nhưng bác sĩ Thiêm cho biết anh và các đồng nghiệp vẫn theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân, những bệnh nhân F0 ra viện vẫn hỏi thăm và gửi lời cảm ơn mãi. Những lời cảm ơn đó là động lực để anh cùng đồng nghiệp thấy thêm yêu màu áo trắng và thêm yêu ngành mà mình đã chọn.

“Hết cách ly tôi sẽ trở về nhà thăm gia đình, bố mẹ, ăn cùng nhau bữa cơm sau bao ngày xa cách. Tôi mong rằng những đồng nghiệp của tôi cũng sẽ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, mong dịch bệnh chóng qua để ai ai cũng được quây quần bên gia đình thân yêu”, bác sĩ Thiêm bày tỏ mong muốn sau khi kết thúc cách ly y tế.

Hoàng Thị Bích

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Thứ 4 (165)

Tin nổi bật