Nhiều khu vực sụt lún, nứt toác nghiêm trọng
Báo VietNamnet đưa tin, sáng 4/8, trận mưa lớn khiến mặt đường tránh quốc lộ 20 thuộc phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc bị phá vỡ, sụt lún. Một số đoạn lớp nhựa đường đứt gãy, vết nứt chạy dài. Trong đó, đoạn sâu nhất lún hơn 30cm.
Theo người dân, vết nứt trên đường này xuất hiện nhiều hôm trước, sau các trận mưa lớn kéo dài, đến hôm nay thì sụt lún. Chính quyền địa phương đã chốt chặn hai đầu đường và căng dây cảnh báo cũng như cấm xe máy đi qua khu vực nguy hiểm.
Sau những trận mưa, đường nứt toác, sụt lún. ẢNh: VietNamnet.
Nguồn tin cho hay, mưa lớn cũng khiến nhiều nơi ở TP Bảo Lộc bị ngập nước. Tại xã Đại Lào, mưa gây ngập các thôn 2, 4, 5 và 7. Nước tràn vào nhà. Cơ quan chức năng phải huy động hỗ trợ người dân di tản đồ đạc, tài sản và sơ tán 4 hộ dân trong khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc cho biết, mưa lớn đã gây ngập nặng tại các thôn Tân Ninh, Tân Bình, thôn 2, 3. Ngay khi xảy ra mưa lớn kéo dài, lãnh đạo xã nắm bắt tình hình, yêu cầu các lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, thiên tài, ngay trong đêm. Cụ thể, lực lượng chức năng của xã Lộc Châu di dời người và tài sản của hơn 30 hộ gia đình nơi ngập sâu tới khu vực an toàn.
Bên cạnh đó, mưa lớn đã gây ra tình trạng sụt lún kéo dài trên tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc đoạn qua phường Lộc Sơn. Các vết nứt kéo dài giữa lòng đường có đoạn mặt đường bị sụt lún sâu hơn vị trí xung quanh khoảng 30cm.
Tại huyện Đạ Huoai, nước trên các sông, suối đột ngột dâng cao trong đêm đã gây ra lũ quét, ngập lụt trên diện rộng. Điều đáng nói, ở một số vị trí trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở đất.
Xác định nguyên nhận sạt lở dồn dập ở Lâm Đồng
Theo báo Lao động, chiều 4/8, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí. Một vấn đề mà các phóng viên quan tâm chính là nguyên nhân các vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại các địa phương trong thời gian ngắn.
Toàn cảnh buổi giao ban báo chí tại Lâm Đồng. Ảnh: Báo Lao động.
Tại buổi giao ban, ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng báo cáo, 7 tháng đầu năm, địa phương bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan, mưa lớn, lốc xoáy và sạt lở. Hậu quả khiến 9 người tử vong.
Nghiêm trọng nhất là sự việc xảy ra tại đèo Bảo Lộc ngày 30/7, khiến 3 CSGT hy sinh và một người dân tử vong. Chưa hết, vụ việc bờ taluy công trình trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt bị sạt lở cũng khiến 2 người tử vong.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hà Lộc đánh giá, mùa mưa ở địa phương diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11; lượng mưa trung bình ghi nhận là 1.750-3.150mm/năm.
Lâm Đồng cũng là tỉnh có lượng mưa cao hơn trung bình của cả nước. Mặt khác, Lâm Đồng có vị trí địa hình đồi núi, độ cao trung bình 200-1.500m so với mực nước biển với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa…
Với đặc điểm này, kết cấu đất yếu mỗi khi mưa lớn kéo dài. Từ đó, nguy cơ sạt trượt đất luôn hiện hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng.
Đến nay, qua rà soát, toàn tỉnh ghi nhận 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Để phòng chống sạt lở, địa phương đã chủ động sơ tán 2 hộ dân tới nơi an toàn, còn 16 hộ khác trong khu vực xung yếu sẵn sàng di dời khi mưa lớn. Với 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, ông Lộc cho biết, địa phương đã lên kịch bản trong từng tình huống ứng phó.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, đặc điểm các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa… có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), nên tính liên kết của đất yếu.
Ông Ngô Văn Ninh thông tin thêm, nguyên nhân các vụ sạt lở ở Đà Lạt, đèo Bảo Lộc, hay sụt lún xảy đường tránh ở TP Bảo Lộc thì cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ. Đánh giá mức độ nguy hiểm, phức tạp của thời tiết, tỉnh Lâm Đồng đã lập nhóm Zalo chỉ đạo, điều hành trực tiếp và kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo mưa lớn để các địa phương chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai.
Theo Dân trí, ngày 4/8, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, vừa yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc chủ động tăng cường trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Cụ thể, yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục rà soát những trụ sở CSGT trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, mất an toàn để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền di dời hoặc có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo nguy hiểm, rào chắn,... để cảnh báo người dân, hạn chế rủi ro.
"Kiên quyết cấm đường, không để người và phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở", Cục CSGT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Cục CSGT cũng yêu cầu, đối với các phương tiện đã đi vào khu vực ngập lụt, sạt lở, cần chủ động tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ, nhanh chóng đưa phương tiện và người dân ra khỏi khu vực ngập lụt, sạt lở.
Cục CSGT yêu cầu CSGT các địa phương chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ và tăng cường cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ Công an.
"Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão, lũ xảy ra, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra. Tổ chức nghiêm túc việc trực, ứng trực và trực ban, đảm bảo thông tin liên lạc, báo cáo diễn biến, tình hình, hậu quả do bão, lũ gây ra", Cục CSGT yêu cầu.
Bảo An (T/h)