Từ sáng đến chiều tối ngày 31/3, trên địa bàn TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có mưa vừa, mưa rất to kéo dài trong nhiều giờ liền, lượng mưa đo được trong 24 giờ qua (14h ngày 30/3 đến 14h ngày 31/3) dao động từ 50-150 mm; tại hai huyện Lý Sơn và Minh Long lên tới 155 mm, theo báo Tiền Phong.
Đường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi bị ngập sâu.
Những cơn mưa kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở thành phố này bị ngập úng cục bộ, nhiều phương tiện bị chết máy giữa đường.
Các tuyến đường ở trung tâm TP. Quảng Ngãi như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Nghiêm... bị ngập nặng nhất.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, đợt mưa từ tối 30/3, là đợt mưa lớn trái mùa, bất thường với lưu lượng từ 50 đến 100 mm. Một số nơi như Trà Bồng, Ba Tơ, Đức Phổ đang có mưa to.
"Đợt mưa trái mùa này rất giống đợt mưa hồi tháng 3/2015. Dự báo, mưa còn khả năng còn kéo dài đến hết ngày 1/4, nên sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, ngã đổ lúa. Trong ngày 2/4 sẽ tiếp tục có 1 đợt không khí lạnh rất mạnh tràn về, kết hợp với nước mưa đã ngập trước đó, dự báo sẽ gây thiệt hại nặng mùa màng", ông Sỹ cho biết thêm.
Quảng Ngãi hứng chịu mưa lớn từ sáng ngày 31/3.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, vào chiều ngày 31/2, khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trong 6 giờ qua (từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 31.3) tại một số nơi như: Sơn Hà 40,4 mm; Sơn Tây 38,4 mm; Trà Bồng 36,4 mm; Sơn Giang 40,8 mm; Ba Tơ 37,0 mm; Giá Vực 51,4 mm; Quảng Ngãi 49,4 mm; Sơn Lập 38,4 mm; Sơn Kỳ 56 mm; Thanh An 33,4 mm; Ba Dinh 35,2 mm; Trà Tân 45,6 mm.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký, ban hành văn bản khẩn cấp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển và mưa lớn ở đất liền.
Ngập sâu khiến người dân di chuyển khó khăn.
Theo đó, để phòng chống, kịp thời xử lý và hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn, yêu cầu các cấp, ngành trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, gió từ bản tin của cơ quan Khí tượng thủy văn, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động các biện pháp ứng phó.
Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng thấp để triển khai các biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn (nhất là các khu vực đã bị sạt lở do mưa, lũ năm 2021 chưa được khắc phục), khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Một tuyến đường khác ở thành phố bị ngập.
Hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ; vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Chủ đầu tư các các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên biển, sông, suối chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người lao động, tài sản; thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.
Bích Thảo (T/h)
Ảnh: Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng