Công nhân ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang hết sức hoang mang bởi tình trạng công ty nợ đọng bảo hiểm trong khi người lao động vẫn bị trừ lương để đóng chi phí bảo hiểm đều đều.
Vừa qua, báo điện tử Người Đưa Tin nhận được phản ánh của công nhân đang làm việc tại công ty TNHH Công nghiệp Well Fast (trụ sở tại đường 22 tháng 12, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) khi công ty này chậm chi trả lương, thậm chí không giải quyết các trường hợp đóng bảo hiểm.
Trao đổi với PV, chị P.T.H. (công nhân công ty Well Fast) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, công ty ít việc làm, bắt đầu chậm chi trả lương, đầu tháng 8 thì công ty cho công nhân nghỉ liên tục sau đó lãnh đạo công ty cũng về nước và không quay lại.
Chị H. nói: “Sau khi phát hiện giám đốc về nước, chúng tôi đã phải tập trung đến công ty để đòi lương và tìm hiểu quyền lợi. Sau nhiều ngày liên tục túc trực tại công ty, ngày 24/9, công ty mới giải quyết lương nợ đọng. Tuy nhiên, lúc này, chúng tôi mới tá hoả phát hiện, từ đầu tháng 2/2018, phía công ty không đóng bảo hiểm cho công nhân, nhưng hàng tháng vẫn khấu trừ trong tiền lương".
"Không có việc làm, chúng tôi muốn nghỉ để lãnh bảo hiểm thất nghiệp nhưng không có ai ký quyết định cho nghỉ… Sự việc trên khiến tôi và nhiều người khác hoang mang không biết bảo hiểm như thế nào, tính ra hàng tháng đã mất đi một khoản tiền cho bảo hiểm nhưng không được hưởng” chị H. thông tin thêm.
Trong khi đó, một số công nhân khác cũng bức xúc, làm từ tối tới sáng nên không biết được công ty có đóng bảo hiểm hay không, chỉ đến khi giám đốc bỏ về nước, công ty không có việc làm, có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì mới phát hiện tiền của mình bị khấu trừ, mà bảo hiểm thì không được đảm bảo quyền lợi.
Công nhân công ty Well Fast chật vật với tiền bảo hiểm. |
Để làm rõ sự việc trên, PV đã liên lạc với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương (BHXH). Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương xác nhận trường hợp của công ty Well Fast.
Theo ông Hiểu, BHXH tỉnh sau khi nhận được thông tin đã nhanh chóng rà soát hỗ trợ công nhân, bằng việc thông tin rõ ràng về ngày tháng, thời điểm công ty này đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, phía BHXH tỉnh này đã thông báo địa điểm cho công nhân để họ mang sổ bảo hiểm đến cơ sở phụ trách bảo hiểm gần nhất để chốt thời hạn đã đóng, đồng thời thông báo cách giải quyết.
Ông Hiểu cũng khẳng định: “Anh (chị) công nhân đóng tiền bảo hiểm đều do BHXH giữ và hạch toán nên không có nguy cơ mất, công nhân vẫn được hưởng theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Bảo hiểm thất nghiệp đã có quy định rõ ràng, công nhân được hưởng quyền lợi đến thời điểm chốt sổ đóng bảo hiểm. Theo thời gian quy định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, công nhân có giấy quyết định nghỉ việc từ 3 - 7 tháng và sẽ được giải quyết. Trường hợp công nhân đi làm ở một công ty khác vẫn được đóng bảo hiểm hưởng mọi chế độ”.
“Muốn tìm hiểu rõ hơn thì các anh (chị) công nhân nên đến cơ sở quản lý bảo hiểm gần nhất để được hỗ trợ thông tin, để biết được các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm hay không thì công nhân có thể tìm hiểu ở các cơ sở quản lý, cơ quan chức năng gần nhất” ông Hiểu thông tin.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang có rất nhiều trường hợp nợ, chây ì đóng bảo hiểm xã hội. |
Ngoài trường hợp của công ty Well Fast, tỉnh Bình Dương còn có hàng loạt công ty đang nợ đọng, chây ì đóng BHXH. Ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết, BHXH tỉnh này sẽ công khai danh tính các doanh nghiệp nợ BHXH trên website, phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí dán thông báo nợ bảo hiểm tại công ty để mọi người nắm rõ.
"Phía BHXH cũng sẽ quản lý chặt hơn trong việc các công ty chậm nộp bảo hiểm", Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương khẳng định.
Vừa qua, BHXH tỉnh Bình Dương đã công khai thông tin 16 doanh nghiệp nợ đọng 43,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) kéo dài. Tất cả các doanh nghiệp trên đều công khai tên tuổi, số tiền nợ… Theo danh sách này, đã có doanh nghiệp nợ hơn 10 tỷ đồng. Trả lời vì sao để các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm nhiều như vậy, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này liên tục kiểm tra và thông báo nợ đến các công ty theo từng tháng, quý… những doanh nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã được thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn chây ì khiến số tiền nợ của các doanh nghiệp là hơn 43,6 tỷ đồng. Theo ông Hiểu, trường hợp doanh nghiệp không thanh toán xong số tiền nợ, bảo hiểm xã hội tỉnh này sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để xem xét xử lý theo Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015. |
Phùng Sơn
Theo Người Đưa Tin