Vài ngày gần đây, một tài khoản TikTok tên CEO V.L có hơn 105.000 lượt theo dõi và hơn 2,1 triệu lượt thích đăng tải video mở đầu bằng nhận định: “Ai đang up clip về cà phê đông trùng hạ thảo thì nên gỡ bài liền. Bởi vì đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng”. Sản phẩm mà chủ tài khoản nhắm đến là Laura Coffee. Chủ sở hữu tài khoản trên nhắc đến chất tạo ngọt 951 – aspartame, và cho rằng chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có thể gây ung thư. Từ đó, chủ nhân video khuyên các Tiktoker khác gỡ các video quảng cáo sản phẩm Laura Coffee để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng của mình.
Ngày 24/10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo từ đại diện của ca sĩ Nhật Kim Anh. Trong đơn, nữ ca sĩ diễn viên tố cáo các TikToker đăng video thất thiệt về sản phẩm gây ảnh hưởng uy tín.
Theo Tiền Phong, ca sĩ Nhật Kim Anh - đại diện Laura Coffee cho biết doanh nghiệp rất quan ngại trước các thông tin mà bà khẳng định là sai lệch về aspartame có trong sản phẩm đang được lan truyền. Theo đó, bà Kim Anh cho biết sản phẩm của mình tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và cam kết bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Và Nhật Kim Anh cũng đã gửi đơn đến Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh mạng và phóng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, cùng với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM… tố cáo các TikToker đăng video thất thiệt về sản phẩm gây ảnh hưởng tới cô.
Nhật Kim Anh khẳng định những thông tin bôi nhọ lan truyền trên mạng xã hội về sản phẩm là hoàn toàn sai sự thật.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trao đổi với Tiền Phong cho biết: "Danh mục phụ gia được phép sử dụng tại quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX, đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị".
Theo đó, phụ gia thực phẩm được quy định trong tiêu chuẩn này được Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, đánh giá và đưa ra bằng chứng khoa học là không gây ra các rủi ro về sức khỏe cho con người khi sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng không vượt quá mức sử dụng tối đa đề xuất tại Tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý phụ gia thực phẩm được quy định sử dụng trong một số nhóm thực phẩm và mức sử dụng tối đa cụ thể, không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng được dùng.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho thấy việc sử dụng phụ gia thực phẩm Aspartame (INS 951) để làm chất tạo ngọt không bị nghiêm cấm. Việc đăng video khi chưa có sự kiểm chứng khiến người xem hiểu lầm, gây ảnh hưởng.