Câu chuyện về chiếc điện thoại bị mất và hành trình xin chuộc lại đang khiến dư luận nổi sóng những ngày qua. Đa số lên tiếng phê phán “kẻ dày mặt” nhặt được điện thoại không trả, số khác lại nghi ngờ tính thực hư của vấn đề.
Trên trang cá nhân chàng trai P.N chia sẻ: "Mọi người bỏ ra vài phút chia sẻ giùm em, để em tìm ra con nhỏ này, em sẽ hậu tạ sau. Chuyện là như thế này, chiều qua em đi rửa xe xong rồi em bị mất điện thoại, mà mất rồi thì thôi đã đành, nay có kẻ còn nhận tội xong nhắn tin xin luôn mật khẩu iCloud cho đỡ tốn tiền bẻ khoá".
Tài khoản V.P - cô gái được cho là đã nhặt được chiếc điện thoại chủ động nhắn tin lại cho thanh niên xin mật khẩu iCloud. |
Theo nội dung của cuộc hội thoại, có thể thấy kẻ nhặt được điện thoại đã chủ động liên lạc với chủ nhân của chiếc iPhone bị mất vì chưa thể mở máy do không biết mật khẩu. Đồng thời, người này còn không quên ngỏ ý xin lại mật khẩu iCloud để sử dụng cho thuận tiện.
P.N tiết lộ, kẻ lạ mặt có nickname là V.P. Sau khi P.N ngỏ ý chuộc lại điện thoại với giá 3 triệu đồng, cô gái vẫn nhất quyết không đồng ý. Lý do được đưa ra là “không an toàn” và nhất định phải xin được mật khẩu để sử dụng vì bản thân cũng thích chiếc iPhone 7 này.
Trước sự từ chối đó, chàng trai đã “thú thật” đây là chiếc điện thoại kỷ niệm, chứa nhiều tài liệu quan trọng và một lần nữa mong cô gái tạo điều kiện để chuộc lại. Dù thế, cô gái vẫn khăng khăng nói rằng mình thích chiếc điện thoại iPhone 7 từ lâu lắm rồi. Cô ta còn nhấn mạnh: “Nếu em trả lại điện thoại sẽ bị đánh và công an bắt thì sao?”.
Cũng theo chàng trai, cô gái này cuối cùng vẫn lắm lời khi gọi anh là “thanh niên tốt bụng” và ngỏ ý nếu không cho thì có thể “mua” lại mật khẩu iCloud với điều kiện nam thanh niên P.N phải đưa mật khẩu trước, nếu đăng nhập được thì cô gái này mới chuyển khoản trả tiền.
"Anh bán tài khoản iCloud cho em. Em vào được thì em chuyển khoản tiền cho anh, còn không thì em bẻ khoá xài. Chứ cho anh chuộc sợ không được, em sợ rắc rối, dính đến công an", V.P nhắn cho chàng trai.
Quá bức xúc, chàng trai đã im lặng và đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội “cầu cứu” cư dân mạng. Chàng trai nói: "Mình làm rơi điện thoại trong quá trình đi rửa xe, nên cũng không biết chính xác là đã đánh mất ở khu vực nào”.
Qua cuộc nói chuyện chàng trai cũng không hiểu vì sao cô ta lại có tài khoản của anh mà xin mật khẩu. “Người ta nói như vậy thì mình biết vậy chứ mình mình có biết là ai đâu mà cho mật khẩu. Đương nhiên là mình không thể cho. Ai nhặt được mình xin sẵn sàng chuộc lại nhưng bạn đó nhắn tin với thái độ như vậy thì mình cũng xác định mất luôn chiếc điện thoại này. Bởi mình cũng muốn chuộc, nhưng thái độ của cô gái đó như vậy thì quả thật không chấp nhận được".
Sau khi sự việc trên được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đặc biệt là hành động và thái độ của kẻ lạ mặt qua các loạt tin nhắn xin mật khẩu đã khiến nhiều người cực kỳ bức xúc và bất bình.
Nickname Tiến Tùng viết: “Đúng là mặt dày quá, nhặt được của rơi không trả còn định cuỗm luôn của người ta. Mình sợ và ghét nhất là loại người tham lam như thế này”.
Nickname Phương Nga viết: “Đọc mà bức xúc quá, không thể chấp nhận được, không ngờ lại có người như thế trên đời. Đúng là tức ói máu mà, chia buồn với chàng trai. Tốt nhất anh nên quên luôn ý định chuộc chiếc điện thoại này đi, tốt nhất block nickname của cô ta cho đỡ đau đầu”.
Một số cư dân mạng cho rằng, hành vi của cô gái là phạm luật. Để rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật gia Ánh Dương. Vị Luật gia nhận định, hành vi của cô gái đã có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự 2015.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà họ không có khả năng ngăn cản.
Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được). Hậu quả của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Khoản 1 của Điều 172 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội Chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Lúc này mới cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng, phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm.
"Theo thông tin vụ việc, chiếc điện thoại Iphone có giá trị trên 2 triệu đồng nên cô gái có thể đối mặt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng...", luật gia Ánh Dương nhận định.
Thanh Bình
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 67