(ĐSPL) - Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Nhật Bản cho biết quy định an toàn mới sẽ đảm bảo thảm họa Fukushima không lặp lại.
Nhật Bản đã lần đầu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân theo tiêu chuẩn an toàn mới đưa ra kể từ thảm họa Fukushima năm 2011. Đây cũng là cách để Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng ngành công nghiệp hạt nhân giờ đã an toàn nhằm trấn an những người dân đang lo lắng.
Thủ tướng Abe cũng như nhiều ngành công nghiệp khác ở Nhật Bản muốn khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân nhằm cắt giảm chi phí mua nhiên liệu, nhưng những cuộc thăm dò dư luận lại cho thấy đa số người dân đều phản đối các động thái sau cuộc khủng hoảng hạt nhân do động đất và sóng thần gây ra cách đây bốn năm.
Nhân viên kỹ thuật tái khởi động lò phản ứng ở Sendai (Ảnh: HP). |
Một phát ngôn viên cho biết, công ty điện lực Kyushu đã bắt đầu khởi động lại lò phản ứng số 1 tại nhà máy Sendai vào hôm 11/8. Nếu theo đúng kế hoạch thì các lò phản ứng sẽ mất vài ngày để nạp đủ năng lượng.
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Nhật Bản cho hay, quy định an toàn mới sẽ đảm bảo thảm họa Fukushima không lặp lại, nhưng những người biểu tình bên ngoài nhà máy Sendai có vẻ vẫn chưa bị thuyết phục.
Shouhei Nomura - cựu công nhân 79 tuổi của một hãng sản xuất thiết bị nhà máy hạt nhân, người hiện đang phản đối năng lượng nguyên tử và đang sống trong một trại biểu tình gần nhà máy trên đảo Kyushu bức xúc: “Bạn cần phải di tản theo hướng gió, các kế hoạch sơ tán hiện nay đều thật vô lí.”
Thủ tướng Abe đã tuyên bố chỉ những lò phản ứng hạt nhân đáp ứng được "những tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt nhất thế giới" mới được phép tái khởi động.
Nhà máy Sendai, nơi những người biểu tình thường xuyên tụ tập bên ngoài dinh cơ của thủ tướng Abe để phản đối năng lượng nguyên tử, là nhà máy điện hạt nhân nằm cách xa thủ đô Tokyo nhất.
Trong số những người biểu tình ở Sendai có cả Naoto Kan, người đã từng nắm chức thủ tướng trong thời kì cuộc khủng hoảng Fukushima và giờ đây ông đang quyết liệt phản đối điện hạt nhân.
Như một phần của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl 25 năm trước, cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima Daiichi đã phát tán ra lượng chất phóng xạ khổng lồ buộc 160.000 người phải di tản, nhiều người trong số họ không bao giờ quay trở lại.
Cuộc khủng hoảng gây sốc cho toàn nước Nhật và cho cả thế giới này đã trở nên đáng nghi hoặc khi chính phủ và nhà điều hành lò phản ứng hạt nhân Fukushima - công ty điện lực Tokyo – đưa ra những câu trả lời không thỏa đáng.
Trừ hai lò phản ứng đã được khởi động lại để tiếp nhiên liệu theo tiêu chuẩn an toàn cũ vào năm 2012 thì toàn ngành đã phải ngừng hoạt động từ tháng 9/2013. Việc này buộc Nhật Bản phải nhập khẩu rất nhiều khí tự nhiên hóa lỏng với giá cao.
Trước sự kiện tái khởi động lò phản ứng hạt nhân hôm 11/8, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài nhà máy Sendai trong bối cảnh an ninh được siết chặt.
Một phụ nữ trẻ đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình quốc gia rằng: “Cuộc sống của con người và thiên nhiên quý giá hơn nhiều so với nền kinh tế”.
Trong số 25 lò phản ứng hạt ứng hạt nhân của Nhật, đã có 15 nhà máy được cấp phép khởi động lại, tuy nhiên chỉ có 5 nhà máy tại 3 trạm là sẵn sàng tái khởi động.
Lò phản ứng tại nhà máy Sendai đã tạm dừng hoạt động trong hơn bốn năm và các kỹ sư cho rằng sẽ có khả năng thiết bị hỏng khiến lò tự sập nguồn.
John Large, giám đốc điều hành của Large & Associates - một công ty kỹ thuật hạt nhân, cho hay tình trạng cúp điện có thể kéo dài vài tháng do tiếp nhiên liệu và lên đến 6 tháng để kiểm tra định kỳ, trong khi đó những sự chuẩn bị cu thể cũng nên được tiến hành đề phòng trường hợp lò phản ứng ngưng hoạt động lâu hơn.
MAI HOA (theo Huffington Post)
Video đang được quan tâm:
[mecloud]asq8dKhd0p[/mecloud]