Một nhà khoa học Nhật Bản đã phát minh được một loại kính đặc biệt có khả năng tự liền lại chỉ sau thao tác bấm nhẹ.
Phát minh này hứa hẹn một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế tạo đồ gia dụng, phương tiện giao thông và thậm chí là quân sự bởi nó có thể kéo dài gấp 2-3 lần tuổi thọ sử dụng của các món đồ hiện nay.
Tiến sĩ hóa học Yu Yanagisawa tại Đại học Tokyo đã tình cờ phát hiện chất liệu này khi đang thực hiện nghiên cứu các loại kết dính có thể hoạt động trên bề mặt độ ẩm cao. Ông cũng cho biết nghiên cứu này sẽ còn cần thời gian dài để hoàn thiện trước khi được ứng dụng trong đời sống như mặt kính điện thoại hay đồ gia dụng.
Tiến sĩ hóa học Yu Yanagisawa thực hiện thí nghiệm - Ảnh: StraitsTime |
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đánh giá phát minh này trong tương lai gần sẽ mang đến một cuộc cách mạng trong công nghệ sản xuất kính cửa xe hơi và máy bay.
Trong một cuộc thí nghiệm công khai, tiến sĩ Yanagisawa đã cắt một miếng thủy tinh thành hai đoạn ngắn và ghép chúng lại nguyên vẹn trong vòng 30 giây. Sau đó, ông đã đổ nước lên đoạn thủy tinh và lượng nước hoàn toàn nằm gọn trên mặt kính.
Trước đây, một số nhà khoa học từng công bố các thí nghiệm tương tự với vật liệu dẻo như cao su hoặc gel nhưng bác sĩ Yanagisawa là người đầu tiên tìm được loại thủy tinh cứng có khả năng tự phục hồi.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Yanagisawa, phát minh này sẽ có ý nghĩa lớn trên khắp mọi lĩnh vực của đời sống: "Nghiên cứu này hướng tới việc chế tạo một loại thủy tinh an toàn và bền chắc cũng như đảm bảo không bao giờ có các vết rạn nứt nguy hiểm”.
Ông cho biết thêm: "Chúng ta có thể tăng gấp đôi hay gấp ba tuổi thọ của đồ gia dụng lên 10-20 năm. Chất liệu này sẽ gẫy khi đạt một trọng tải nhất định mà không hề tạo ra vết nứt”.
Thu Phương (Theo StraitsTime)