Theo số liệu thống kê được đưa ra, tính đến ngày 1/10/2021, dân số Nhật Bản là 125.502.000 người, giảm 644.000 người so với năm 2020. Toàn bộ 47 tỉnh và thành phố của Nhật Bản ngoại trừ Okinawa, đều ghi nhận dân số giảm trong giai đoạn thống kê nói trên. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận dân số giảm lần đầu tiên trong 26 năm qua.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản suy giảm mạnh như vậy là do các biện pháp hạn chế và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Con số thống kê trên bao gồm cả công dân nước ngoài.
Bộ Nội vụ Nhật Bản cũng cho biết thêm, năm 2021, số người trên 65 tuổi nước này chạm mốc kỷ lục 36,4 triệu người, tương đương 29,1% dân số, tăng 220.000 người so với năm 2020 - thời điểm số dân từ 65 tuổi trở lên chỉ khoảng 28,4% dân số. Cùng với đó, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, suy giảm dân số tự nhiên của nước này cũng đang ở mức cao, một phần do số trẻ ra đời tiếp tục thấp kỷ lục. Nếu tình trạng này tiếp diễn, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản được dự báo sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060.
Các em bé tham gia cuộc thi bò dành cho trẻ sơ sinh tại Yokohama,ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Tình trạng dân số già như vậy đã đè nặng lên nền kinh tế Nhật Bản. Trên thực tế, lực lượng lao động nước này nhiều năm nay đã phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội. Ngay trong kế hoạch tài khóa 2022 vừa thông qua, Tokyo cũng phải phân bổ hơn 30% chi tiêu ngân sách - tương đương 36.270 tỷ yên - để giải quyết những áp lực đến từ tình trạng già hóa dân số.
Vì thế, việc điều chỉnh quy định pháp luật để tạo đà tăng trưởng dân số có thể xem là quyết định cần thiết đối với xứ sở Mặt trời mọc lúc này, bởi nó sẽ “mang lại năng lượng lớn cho xã hội” - theo nhận xét của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno.
Hoài Dương (T/h)