Sushi là một trong những món ăn phổ biến ở Nhật Bản. Một trong những địa điểm được người Nhật và du khách thích đến để dùng bữa là Kaitenzushi – hệ thống sushi băng chuyền, còn gọi là tàu sushi. Đây là mô hình nhà hàng sushi sử dụng băng chuyền để đưa các đĩa sushi di chuyển qua mặt thực khách, để họ có thể dễ dàng chọn những món muốn ăn.
Tuy nhiên, mô hình được yêu thích này đang bị “khủng bố”, sau khi nhiều video trên mạng cho thấy một số người vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong lúc ăn.
Tình trạng "khủng bố sushi" đang là vấn đề gây nhức nhối ở Nhật Bản. Ảnh minh hoạ
Theo Asahi Shimbun, cảnh sát tỉnh Aichi ngày 8/3 thông báo, họ đã bắt giữ 3 người sau khi video về trò chơi khăm mất vệ sinh, được gọi là "khủng bố sushi", khiến nhiều người phẫn nộ.
Một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết Ryoga Yoshino (21 tuổi) và một thiếu nữ 15 tuổi giấu tên đã bị bắt hôm 8/3, trong khi thành viên thứ 3 của nhóm, một thanh niên 19 tuổi được giữ kín danh tính, bị bắt vào tháng 2.
Trước đó, một video được quay tại nhà hàng Sushiro ở thành phố Gifu thu hút gần 40 triệu lượt xem trên Twitter. Trong đó, một thiếu niên liếm chai nước chấm sử dụng chung và cốc trà rồi để lại trên băng chuyền. Sau đó, cậu này liếm ngón tay rồi sờ vào những đĩa sushi di chuyển qua trước mặt. Video được nói là đã khiến nhiều bên sáng tạo nội dung số khác làm tương tự để có thể “gây sốt”.
Người phát ngôn của cảnh sát cũng cho hay những trò chơi khăm của nhóm đã buộc các nhân viên phải dọn dẹp khẩn cấp, và làm “hoạt động kinh doanh bình thường trở nên khó khăn".
Theo BBC, sự việc làm mất 5% giá cổ phiếu công ty Sushiro trong tuần trước. “Chúng tôi đã khử trùng kỹ càng và loại bỏ các chai nước chấm trong cửa hàng nơi xảy ra vụ việc. Chúng tôi sẽ tham vấn cảnh sát sau khi điều tra nội bộ kỹ càng”, chuỗi cửa hàng cho biết trong một thông cáo.
Thông cáo cũng cho biết, thực khách từ nay có thể lấy đồ dùng từ một điểm được giám sát để mang về bàn, đồng thời yêu cầu cung cấp đồ dùng đã khử trùng tại tất cả các nhà hàng của hệ thống trên cả nước.
Vụ bắt giữ trên được cho là vụ đầu tiên trong trào lưu gây náo động ở Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng có tiêu chuẩn sạch sẽ cao.
Mặc dù chưa có cáo buộc nào được đưa ra, nhưng theo luật pháp Nhật Bản, "cưỡng bức cản trở hoạt động kinh doanh" có thể liên quan đến các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm khả năng đối mặt án tù 3 năm.
Hoa Vũ (T/h)