Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhận tin nhắn lừa nhận trợ cấp thất nghiệp, người phụ nữ bị mất 600 triệu đồng

(DS&PL) -

Thực hiện xong yêu cầu của đường dẫn chứa mã độc, chỉ trong chưa đầy 5 phút, số tiền hơn 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị N. nhanh chóng bị kẻ gian đánh cắp.

Ngày 24/11, trao đổi với Dân trí, chị N.T.N (sinh năm 1988, làm nghề kế toán) cho biết: "Tôi đã trình báo với cơ quan công an quận Bình Thạnh, TP. HCM về việc tài khoản bị mất 625 triệu đồng. Hai ngày qua tôi mất ăn mất ngủ, tâm lý hoang mang vì đây là số tiền tôi tích góp bao nhiêu năm đi làm và chuẩn bị rút ra để đầu tư cho công việc".

Theo trình báo của chị N., trưa ngày 23/11, chị dùng điện thoại cá nhân đăng nhập vào phần mềm VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp do dịch COVID-19.

Khi chị ngồi dò lại tin nhắn trong điện thoại thì đọc được tin từ số máy +84564170xxx với nội dung “Ong (Ba) da du d!eu_k!en NHAN’TIEN ho tro tu quy-BHTN. Bam’vao www.vnbomo.icu de’ lay. QUA_HAN SE KHONG_DUOC CHAP’NHAN!”. Tin nhắn này được gửi lúc 17h9' ngày 22/11.

Chị N cho biết chị thường bỏ qua tin nhắn đến từ các đầu số lạ. Tuy nhiên, ngày 23/11, chị đang làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho nhân viên công ty nên mới soát lại các tin nhắn cũ.

Nội dung tin nhắn mà chị N bị lừa giống như các cảnh báo trước đây. Ảnh: Báo Pháp luật TP. HCM.

Công việc hiện tại của chị là làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho nhân viên của công ty nên chị phải cài ứng dụng của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để thực hiện thủ tục. Trong lúc chờ mật khẩu từ ứng dụng, chị đọc được tin nhắn trên. Vì thấy nội dung tin nhắn liên quan đến BHTN nên chị không nghi ngờ và làm theo hướng dẫn.

Đường dẫn nhanh chóng chuyển người truy cập đến giao diện của một trang web được thiết kế gần giống với ứng dụng “Smart Banking” của ngân hàng BIDV, yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản.

Theo báo Công an TP. HCM, khi vừa hoàn thành đăng nhập, đường link này yêu cầu chị N. tiếp tục cung cấp OTP vừa được tổng đài ngân hàng chuyển về. “Thấy giao diện thiết kế giống với ứng dụng của ngân hàng nên tôi làm theo mà không đề phòng, kể cả việc nhập mã OTP khi được yêu cầu”, chị N. nói.

Thực hiện xong yêu cầu của đường dẫn chứa mã độc, chỉ trong chưa đầy 5 phút, số tiền hơn 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị N. nhanh chóng bị kẻ gian đánh cắp.

Cả 2 lần chiếm đoạt tiền trong tài khoản diễn ra trong vòng 30 giây. Lần đầu tiên các đối tượng giấu mặt đã lấy đi số tiền 499,900,000 đồng và lần tiếp theo chuyển số tiền 126,000,000 đồng. Tổng cộng số tiền nằm trong tài khoản ngân hàng BIDV của chị N. bị đánh cắp là 625.900.000 đồng.

Tá hoả vì bị đánh mất số tiền khủng, khổ chủ đã phải nhờ tới ngân hàng khoá gấp tài khoản và nhanh chóng trình báo sự việc đến Công an quận Bình Thạnh (nơi chị N. đăng ký mở tài khoản).

Chị N. bị trừ hơn 600 triệu đồng sau khi đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp online. Ảnh: Dân Trí.

Báo Pháp luật TP. HCM thông tin, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP. HCM, cho biết cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên đến người dân. Các tin nhắn có đầu số lạ nêu trên là của những đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân, hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân.

Theo ông Thanh, thông thường các đối tượng lừa đảo sẽ nhắn tin yêu cầu người dân bấm vào đường link và thực hiện theo hướng dẫn của đường link đó.

Đối với cơ quan BHXH, khi phổ biến các thông tin liên quan đến chính sách xã hội cho người dân, cơ quan BHXH sẽ không yêu cầu thực hiện bất kỳ thao tác nào trên đường link. Ngoài ra, cơ quan BHXH không gửi tin nhắn yêu cầu người lao động cung cấp mã OTP của ngân hàng. Vì thế, những tin nhắn yêu cầu cung cấp mã OTP là những tin nhắn lừa đảo.

Bích Thảo (T/h) 

Tin nổi bật