Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hiện đang tích trữ một lượng thủy ngân khổng lồ đáng sợ, gấp hai lần lượng thủy ngân tự nhiên của cả hành tinh này cộng lại.
Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ đã tiến hành đo đạc 13 "mẫu lõi" của tầng đất bị đóng băng ở Alaska, Mỹ từ năm 2004 đến năm 2012.
Các mẫu này được thu thập từ các địa điểm cách xa nhau, với những đặc điểm đất khác biệt, đủ để chúng có thể đại diện cho toàn bộ bắc bán cầu.
Thủy ngân là chất cực độc, dễ bay hơi, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận - Ảnh: Dân Việt. |
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, có đến 793 triệu kg thủy ngân đang bị mắc kẹt trong lớp đất băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc kể từ kỷ nguyên băng hà cuối cùng.
Lượng thủy ngân ở Bắc Cực gấp đôi tổng lượng thủy ngân được tìm thấy ở những nơi khác trên Trái đất và gấp 10 lần lượng thủy ngân con người thải ra môi trường trong 30 năm qua.
Paul Schuster, nhà khảo sát địa chất Hoa Kỳ cho biết, thủy ngân tích tụ vào lớp băng vĩnh cửu từ khí quyển.
Hơi thủy ngân trong khí quyển đã kết dính với các chất hữu cơ trong đất, sau đó bị chôn vùi bởi trầm tích. Theo thời gian, khối lượng thủy ngân này bị vùi lấp sâu trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu.
"Sẽ không có bất cứ vấn đề gì về môi trường nếu mọi thứ vẫn đóng băng như vậy. Tuy nhiên chúng ta biết rằng Trái đất đang nóng lên từng ngày, dẫn đến tình trạng băng tan. Băng tan đến một mức độ nhất định sẽ giải phóng lượng thủy ngân khổng lồ ra ngoài môi trường", ông Schuster nói.
Nếu hòa vào nguồn nước, thủy ngân hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Methyl thủy ngân là chất độc mạnh gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Rất nhiều trường hợp ngộ độc methyl thủy ngân ở người đã được ghi nhận sau khi ăn cá bắt được ở vùng nước nhiễm độc. Methyl thủy ngân cũng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và là tác nhân gây nhiều dị tật bẩm sinh.
Hằng Thanh (T/h)