Nhạc sĩ Lê Minh Sơn vừa hoàn thành sáng tác ca khúc "Dòng sông không bao giờ lạnh" về Hàn giang và Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Anh cũng trăn trở nhiều về đời sống âm nhạc ở Việt Nam, nhiều ca khúc được tung ra thị trường nhưng thiếu sự sáng tạo, chất riêng, chất dân tộc...
Lê Minh Sơn kể, anh rất thân với đạo diễn Lê Quý Dương và năm nay, anh Dương là tổng đạo diễn chương trình Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017. Trong một lần ngồi trò chuyện, vị đạo diễn ngỏ ý muốn anh sáng tác một ca khúc về sông Hàn (TP.Đà Nẵng) cũng như Lễ hội pháo hoa. Từ lời đề nghị này, nhiều đêm, anh nằm trằn trọc để suy ngẫm về việc, viết một cái gì vừa quen nhưng vừa lạ.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn gửi gắm nhiều điều vào ca khúc "Dòng sông không bao giờ lạnh". |
Bao giờ cũng thế, anh không muốn sự lặp lại, phải tìm ra cái hay, cái mới, dấu ấn của riêng mình, có một luồng sinh khí nhưng vẫn là cái chất của dân tộc... Và, anh bắt đầu có những tư duy ngược với tất cả mọi người. Khi nhắc đến sông Hàn, mọi người sẽ nghĩ ngay đến yếu tố Thủy là nước và Hàn là lạnh. Nhưng, anh không muốn viết về một dòng sông lạnh, bởi, như thế thì chẳng có gì đặc biệt. Thay vào đó, anh “xoay chuyển” hoàn toàn khi viết về một dòng sông chứa đầy cảm xúc, tình người, những giấc mơ... Đó là những giấc mơ pháo hoa rực rỡ, bay bổng, nhiệm màu.
Anh đặt tựa đề bài hát là "Dòng sông không bao giờ lạnh". Từ tựa đề đến ca từ của sáng tác đều đậm chất triết lý. Dòng sông cũng như con người hay tình yêu, giống một kiếp luân hồi trong triết lý nhà Phật, mọi thứ sinh ra rồi sẽ mất đi và lại được sinh ra. Do đó, mỗi con người đừng để tâm hồn của mình lạnh giá.
Trong lúc viết những dòng đầu tiên, anh đã nghĩ, Thanh Lam sẽ là ca sĩ thể hiện ca khúc này. Bởi, theo anh cảm nhận, nữ diva là giọng ca truyền tải tốt nhất tinh thần, kỹ thuật âm nhạc của mình. Chị có những quãng trầm đẹp, da diết, thiết tha; những quãng cao thanh mà không gắt; bùng nổ, chứa chan cảm xúc đưa người nghe đến nhiều miền cảm xúc khác nhau. Sau khi sáng tác hoàn thành, anh đã đề nghị với đạo diễn Lê Qúy Dương mời Thanh Lam hát ca khúc này trong đêm trình diễn pháo hoa và đã nhận được sự đồng ý. Anh hy vọng, ca khúc này dưới sự thể hiện của Thanh Lam sẽ được khán giả đón nhận.
Nhạc sĩ cho biết, anh thường có tư duy ngược trong sáng tác không phải vì muốn thể hiện cái tôi mà muốn tạo ra cái mới. Anh trăn trở, nhiều năm qua, đời sống âm nhạc Việt khá nhộn nhịp, rất nhiều ca khúc được tung ra thị trường nhưng hầu như không có một ca khúc nào để lại ấn tượng lớn. Hầu hết, đó là những ca khúc viết chạy theo thị hiếu của khán giả, thiếu sự sáng tạo, cái chất của dân tộc...
Nhiều ca khúc được gọi là hit, nhưng “cuộc đời” của nó chỉ kéo dài vài tháng, nhiều nhất cũng chỉ một năm. Do đó, trong khoảng thời gian dài, anh đã hoạt động âm thầm, sự ngông cuồng, điên dại được cho vào âm nhạc một cách tinh tế hơn so với thập kỷ trước. “Viết một ca khúc dễ lắm. Nhưng, để một ca khúc ở lại với khán giả, với thời gian thì rất khó”, anh nói.
Huy Cường