Pravda đưa tin, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt trong cuộc họp báo ngày 23/7 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang liên lạc với Thượng viện về các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng muốn tự mình đưa ra quyết định.
"Tổng thống đã trao đổi rất chặt chẽ với Thượng viện, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, về vấn đề này", người phát ngôn Nhà Trắng trả lời, sau đó nhấn mạnh rằng ông Trump muốn dành toàn bộ quyền quyết định về việc áp lệnh trừng phạt với Nga cho mình.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham ở Nam Carolina cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ABC News mới đây rằng, Tổng thống Donald Trump dự định áp thuế 100% đối với các quốc gia mua dầu từ Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt. Ảnh: CNN
Theo ông Graham, biện pháp này nhằm mục đích gia tăng áp lực kinh tế lên Nga, buộc Moscow phải chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine. Ông Graham lưu ý rằng 2 quốc gia mua khoảng 70% lượng dầu của Nga, là mục tiêu chính của các mức thuế này.
Thượng nghị sĩ Mỹ lưu ý, biện pháp của Tổng thống Trump được thiết kế để làm suy yếu nền tảng tài chính của bộ máy quân sự Nga. Tuy nhiên, Nga trước đây đã tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình.
Trong một diễn biến khác, theo Kyiv Independent, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 23/7 rằng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận mua vũ khí, một số mặt hàng trong đó sẽ được gửi đến Ukraine.
Thỏa thuận quy định rằng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho EU, nơi sẽ xử lý việc phân phối giữa các quốc gia thành viên, trong đó phần lớn vũ khí dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine. Ông Trump nói thêm rằng EU sẽ chi trả tiền cho các công ty quốc phòng của Mỹ, điều này "đáng lẽ phải được thực hiện từ 3 năm trước".
Mỹ đồng thời đã phê duyệt 2 gói viện trợ quân sự cho Ukraine vào ngày 23/7, với tổng trị giá 322 triệu USD. Một gói bao gồm các hệ thống phòng không HAWK Phase III, trong khi gói còn lại cung cấp phụ tùng để sửa chữa xe chiến đấu bộ binh Bradley.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận điều này sẽ không gây tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng phòng thủ của Washington. Trước đó, Mỹ và Đức cũng đã đồng ý cung cấp 5 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, trong bối cảnh Nga đang leo thang chiến dịch tấn công tầm xa vào các thành phố của nước này.
Cam kết mới này được đưa ra sau tuyên bố vào ngày 14/7 của Tổng thống Trump về sáng kiến do NATO và EU hậu thuẫn, theo đó các thành viên liên minh sẽ mua hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Theo Kyiv Independent