Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Một đời say duyên thầm áo dài

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Ở tuổi 60, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu Lê Sĩ Hoàng đã chuẩn bị tâm thế cho chặng cuối của sự nghiệp và chuẩn bị “về hưu”. Thương hiệu thời trang áo dài do ông xây dựng hơn 30 năm qua cũng sẽ được trao truyền cho học trò.

Bảo tàng Áo dài – “di sản” thời trang

Tốt nghiệp cử nhân chuyên Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật vào năm 1987 với tấm bằng loại giỏi, Th.s, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng đã có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực thời trang cũng như giảng dạy cho các thế hệ tiếp theo.

Niềm đam mê với tà áo dài truyền thống của người Việt đã thôi thúc ông đưa hội họa vào trang phục truyền thống. Những bộ trang phục áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã được trình diễn trong các sự kiện văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia. Và khi “di sản” thời trang ngày càng nhiều, ông hướng đến một thứ lớn lao hơn- Một bảo tàng dành riêng cho áo dài.

Từ đó, dự án thiết kế trong suốt 12 năm của nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã xây dựng Bảo tàng Áo dài tại Tp.HCM, đi vào hoạt động từ năm 2014. Đây là bảo tàng chuyên đề đầu tiên của Việt Nam để nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về áo dài.

Ở tuổi 60, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dự định “về hưu” khi trao lại thương hiệu thời trang của mình cho thế hệ tiếp theo.

Nói về lý do mở ra Bảo tàng Áo dài, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết: “Khi tham dự những buổi giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới cũng như tham quan những bảo tàng trang phục như Bảo tàng Ome Kimono tại Nhật Bản hay Bảo tàng hanbok Hanboknam tại Hàn Quốc, tôi rất ấn tượng khi nước bạn có một bảo tàng để lưu giữ và phát triển trang phục truyền thống của họ”.

Quay lại Việt Nam, ông nghĩ rằng, tại sao đến bây giờ mà chúng ta lại không có một bảo tàng về trang phục truyền thống của quốc gia là áo dài. Bởi lẽ, áo dài không chỉ đơn giản là thời trang mà còn là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, để chúng ta tự hào giới thiệu đến với bạn bè quốc tế.

Ngoài công việc thiết kế, nhà thiết kế Sĩ Hoàng còn là một nhà giáo đầy nhiệt huyết với nghề. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý tại các trường đại học, ông từng hướng dẫn, đào tạo ra nhiều thế hệ học trò thành công, được nhiều người biết đến như MC Tùng Leo, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, Trác Thúy Miêu,....

Nhưng người thầy cũng có rất nhiều trăn trở, phần nhiều sinh viên hiện nay đang có cách học rất thụ động, chỉ biết đến lớp, trông chờ và ỷ lại vào thầy cô mà không chịu trải nghiệm bên ngoài, từ đó chỉ biết đến những lý thuyết rập khuôn mà không có được những kinh nghiệm thực tiễn.

“Tôi từng rất bất ngờ khi trong một lớp về chuyên ngành thời trang, gần 90% các bạn sinh viên chưa từng tham dự một buổi trình diễn thời trang nào cả. Đối với khối ngành nghệ thuật mà tôi đứng lớp, tôi không muốn dùng từ “dạy” vì nó to lớn quá, nên tôi chỉ hướng dẫn, gợi ý để các bạn sinh viên có thể phát huy khả năng của bản thân thông qua việc tự mình tìm hiểu, khám phá mọi thứ từ cuộc sống”, Th.s Lê Sĩ Hoàng chia sẻ.

Mơ ước Nhà hát áo dài

Trong cuộc trò chuyện với Đời sống và Pháp luật, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhiều lần nhắc đến tuổi già. Ông bộc bạch: “Nói ra bây giờ thì có lẽ hơi sớm nhưng nếu trời cho tôi sống thêm 20 năm nữa thì 10 năm tới tôi “chạy nước rút” để hoàn tất những điều muốn làm. Và năm 70 tuổi, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, trò chuyện, viết sách, tu thiền. Như vậy là tôi đã có một cuộc đời toàn vẹn”.

Theo ông, khi chúng ta rủ nhau đi uống cà phê, chúng ta phải biết ở đâu, ngày nào, mấy giờ, mặc cái gì. Trước khi đi còn dặn dò bố mẹ ăn cơm trước hay con về muộn… Tức là làm cái gì mình cũng có sự chuẩn bị trước. Thế thì tại sao cuộc đời của mình lại không có sự chuẩn bị lúc về già?

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tự nhận mình là người hay lo. Vừa bước sang ngưỡng tuổi 60, nhưng ông tiết lộ đã chuẩn bị xong 50% cho tuổi già. Ông nói: “Tôi từng chứng kiến những người thầy, người nghệ sĩ trong showbiz, hay bố mẹ tôi tuổi xế chiều. Tuổi già của họ buồn quá. Nghèo, bệnh tật, cô đơn. Tôi không muốn như vậy. Sau khi hoàn tất những điều cần làm trong 10 năm cuối sự nghiệp, tôi sẽ lui về lối sống tối giản để thân tâm được khỏe, được sạch”.

Mong muốn lớn nhất trong 10 năm cuối chặng đường sự nghiệp của nhà thiết kế Sĩ Hoàng là có một Nhà hát Áo dài. Đây sẽ là nơi trình diễn những câu chuyện về văn hóa Việt thông qua áo dài, âm nhạc hoặc những vở diễn lịch sử.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã có hơn 30 năm sự nghiệp gắn bó với áo dài.

Ông quan niệm, kinh tế phát triển phải đi đôi với việc giữ gìn lễ nghĩa, phong tục tập quán. Bởi vậy những hoạt động trong Nhà hát Áo dài sẽ hướng đến giáo dục về thẩm mỹ và văn hóa.

Bên cạnh kịch lịch sử, những hoạt động về văn hoá ăn mặc, văn hóa âm nhạc lồng ghép với phong tục tập quán đặc trưng của người Việt… như áo tứ thân, ngũ thân, têm trầu cánh phượng, mời trầu, mời trà… cũng diễn ra ở đây. Tất cả các hoạt động được dựng thành những hoạt cảnh liên tục để có thể đưa vào khai thác làm tour du lịch văn hóa.

Nhìn lại hơn 30 năm sự nghiệp, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết, trong vài năm tới, ông sẽ trao lại thương hiệu Sĩ Hoàng cho người thừa kế. Người ông lựa chọn là học trò mà ông đào tạo suốt 12 năm qua. Một người có tài năng, có tâm, có đức, thức thời và có phong cách phù hợp với thương hiệu.

“Sau này, trong các show diễn bạn sẽ nghe, thương hiệu Sĩ Hoàng được thiết kế bởi NTK Mai Thanh Duy; rồi có thể là thương hiệu Sĩ Hoàng bởi NTK Vũ Huy… Giống như các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đều có lịch sử hàng trăm năm. Vẫn thương hiệu ấy, nhưng qua từng giai đoạn lại có một giám đốc sáng tạo mới. Thương hiệu vẫn được duy trì, miễn là giữ được phong cách của người sáng lập và cốt lõi của thương hiệu đó”, nhà thiết kế gạo cội chia sẻ.

Thành Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

Tin nổi bật