Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc (Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) và dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình) thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: VGP
Đây là 2 trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Được biết, nhà máy Đạm Ninh Bình khởi công tháng 5/2008, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn vốn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…).
Từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ. Tính đến ngày 31/12/2021, nhà máy còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Sang đến 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi.
Trong khi đó, Dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc khởi công cuối năm 2010, vận hành từ năm 2015, chậm 36 tháng so với kế hoạch.
Su khi mở rộng, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Tính đến cuối năm 2021, công ty đã trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, còn nợ hơn 6.400 tỷ đồng (trong đó, vay gốc hơn 3.000 tỷ đồng, nợ lãi hơn 3.300 tỷ đồng) và hơn 112 triệu USD. Khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015-2020 của công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỷ đồng.
Lắng nghe các ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho hay hai dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình có nhiều điểm giống nhau: đầu tư lâu, kéo dài nhiều năm, thua lỗ kéo dài; phê duyệt vốn cho dự án ban đầu ít, sau tăng nhiều; tranh chấp hợp đồng EPC, sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, lãi mẹ đẻ lãi con.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khẩn trương xây dựng đề án theo tinh thần tái cơ cấu đơn vị, trong đó có tái cơ cấu vốn vay, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8.
Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường vẫn có, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì ngành hóa chất phải đứng vững trong nền kinh tế thị trường; chủ động nguồn phân bón. Nếu làm tốt việc cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, giảm chi phí đầu vào, xử lý các vấn đề vướng mắc thì dự án sẽ có lãi theo kế hoạch.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án này.
Nhanh chóng giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác nước ngoài. Tiếp tục tổ chức lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí để giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.
Bạch Hiền (t/h)