(ĐSPL) - Một công trình kiến trúc độc đáo, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân xã Đảo Long Sơn - TP Vũng Tàu đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia do những mâu thuẫn nội bộ liên quan đến công tác kế thừa.
Di tích minh chứng một thời đi mở đất
Sử sách chép rằng, năm 1900, ông Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, Kiên Giang, cùng với 20 thành viên thân tộc xuôi về miền Đông Nam Bộ, thấy vùng đất Long Sơn thanh bình ông cùng với họ tộc đã khai hoang, lập làng, biến hòn đảo hoang sơ thành vựa lúa trù phú, xây dựng Nhà Lớn làm nơi sinh hoạt chung. Sinh thời, ông thường cởi trần, tóc búi, đi chân đất lao động nên mọi người gọi là ông Trần. Ông cho xây Nhà lớn bao gồm: Nhà Thánh ( thờ Khổng Tử), lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật … và đây cũng là nơi hội họp việc đại sự của làng xã, nơi sinh hoạt thường ngày của gia tộc … Trong khuôn viên Nhà Lớn, ông cũng cho xây dựng 5 chiếc hồ, 4 chiếc lu để nhắc nhở con cháu và mọi người rằng: “năm châu bốn bể đều là nhà”.
Ông cũng đặt ra rất nhiều các nguyên tắc để răn dạy con cháu phải sống đoàn kết, hiếu nghĩa, đức độ và luôn luôn phải giúp đỡ người nghèo. “ Sống đồng tịch, đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”, nghĩa là cả đảo chỉ dùng chung một chiếc bao quan, người chết được quấn chiếu bọc đặt vào bao quan, khi an tang không chôn theo bao quan mà mang về để dùng cho người khác khi qua đời. Cưới hỏi, ma chay không được tổ chức rườm rà, ăn uống linh đình, tốn kém.
Những nguyên tắc đó không được ghi chép thành giáo lý, kinh bổn, mà "di ngôn bất di tự”, tức là, tất cả lời ông giáo huấn, kinh đạo chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, con cháu sinh sau cứ học tập người đi trước, theo ông bà cha mẹ để sửa mình.
|
Toàn cảnh khu di tích Nhà Lớn Long Sơn. |
Xã đảo Long Sơn tôn vinh ông như vị Thành Hoàng làng. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông 70\% người dân trong xã hiện nay đều theo tín ngưỡng của ông, mà họ thường gọi là “ đạo ông Trần”. Người theo đạo không cần chuông mõ, kinh kệ mà chỉ cần tu theo 5 chữ: “ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Hàng năm cứ vào ngày 20/2 ( âm lịch) và ngày 9/9 ( âm lịch), Nhà lớn thường tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút khoảng 40.000 lượt khách về tham dự.
Gia tộc bất hòa
Nhà Lớn Long Sơn được ông Trần và nhân dân xây dựng suốt 19 năm từ 1910 đến 1929. Năm 1935, ông Trần mất, không để lại di chúc, việc quản lý Nhà Lớn được thực hiện theo nguyên tắc cha truyền, con nối. Năm 1991, Nhà Lớn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Và đến năm 1996, Nhà Lớn do bà Lê Thị Đến và Lê Thị Kiềm - đại diện cho 2 tông chi họ nội, đời thứ 4, kế thừa, quản lý.
Năm 2006, thực hiện sự chỉ đạo của ngành văn hóa địa phương, bà Đến yêu cầu gia tộc thành lập BQL di tích Nhà Lớn Long Sơn và soạn thảo quy chế hoạt động của Nhà lớn, ý kiến vấp phải sự phản đối kịch liệt, và kết quả là bà bị đẩy ra khỏi Nhà Lớn. Bà Đến bức xúc cho biết: “ Người ta nghĩ rằng thành lập ban điều hành là mang di tích cho nhà nước, bán vé vô cửa, nên họ yêu cầu tôi không được vào Nhà Lớn nữa. Tôi rất là phẫn nộ, như vậy đem tôi ra giữa cuộc họp truất quyền quản lý di tích, làm ảnh hưởng đến danh dự của tôi, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của một tông chi kế thừa hợp pháp”.
|
Bà Lê Thị Đến (trái) và Lê Thị Kiềm (phải). |
Đó chính là lý do, suốt 8 năm qua, bà Đến và một số người dân liên tục thưa kiện. Ông Phan Chí Thân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện là tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử tỉnh này khẳng định, một số thành viên trong gia tộc Nhà Lớn đã hiểu sai Luật di sản văn hóa. “ Việc thành lập ban quản lý di tích, xây dựng quy chế là quy định của luật pháp là luật di sản văn hóa và Nghị định 92 lúc bấy giờ để giúp các di tích hoạt động tốt hơn và có những biện pháp xử sự đúng đắn trong hoạt động chứ không phải Nhà nước lập ra cái ban quản lý để bán vé hay là kinh doanh trong di tích”. Ông Thân nói.
Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, những bất hòa trong nội bộ dẫn đến 21 năm kể từ khi được ông nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhưng đến nay Nhà lớn Long Sơn vẫn chưa có Ban điều hành di tích hợp pháp ( 2 tông chi thừa kế) và quy chế hoạt động di tích theo đúng Luật di sản văn hóa. Ông Hồ Văn Lợi - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “ Gia tộc phải ngồi lại với nhau để khẩn trương tìm ra phương án. Tôi nhấn mạnh rằng Nhà lớn này phải do một cộng đồng người thuộc gia tộc quản lý chứ không phải thuộc về một cá nhân nào hết. Chúng tôi đang cố gắng hòa giải để Nhà Lớn tìm được tiếng nói chung”
Hủy quyết định công nhận di tích Quốc gia?
Ngành văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, để ổn định Nhà lớn, cần bỏ phiếu bầu ra thành phần ban quản lý di tích. Tuy nhiên, luật sư Phạm Duy Hiển - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu quả quyết, quan điểm này vi phạm Luật dân sự về thừa kế. “ Di tích Nhà lớn trước tiên là thuộc sở hữu của gia tộc, việc bà Đến bị đẩy ra khỏi Nhà Lớn là vi phạm pháp luật dân sự về thừa kế. Để nhà lớn ổn định nhất thiết phải khôi phục lại một tổ chức quản lý hợp pháp của di tích này bao gồm 2 tông chi mà đại diện là bà Lê Thị Kiềm và Lê Thị Đến, việc bình bầu là hoàn toàn không hợp lý, bởi di tích đó do cha ông họ để lại và dĩ nhiên họ phải là người đồng thừa kế”.
|
Khu vực nhà khách đã bị đập đi và xây mới. |
Trước những khiếu kiện kéo dài của Nhà lớn, ngày 4/11/2013, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã ra văn bản 4031, yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải giải quyết dứt điểm vụ việc này, nếu không sẽ hủy quyết định công nhận di tích quốc gia Nhà lớn Long Sơn. Tuy nhiên, hơn một năm đã qua, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Khi chưa thành lập được một tổ chức hợp pháp hội tụ đủ 2 tông chi theo quy định của Bộ, mới đây, bà Kiềm cùng với một số vị hương chức đã tiến hành sửa chữa một số hạng mục của Nhà lớn theo kiểu đập đi xây mới, xây dựng thêm nhà vệ sinh, lát gạch đá hoa, bồn rửa mặt hiện đại trong di tích khiến những người tâm huyết với di tích này không khỏi ngỡ ngàng...