Trên mạng xã hội xứ Trung đang truyền tay nhau câu chuyện của một tài khoản ẩn danh về việc, anh ta phàn nàn rằng vợ tương lai của anh khăng khăng rằng một trong hai đứa con mà họ sẽ có phải mang họ của cô ấy. Đổi lại cô ấy sẽ trả phần lớn chi phí đám cưới.
Theo người đàn ông, gia đình bạn gái là hộ gia đình khá giả, bố mẹ vợ sắp cưới cũng đã đề nghị tặng căn hộ tân hôn trị giá hơn 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) mỗi mét vuông ở thành phố hạng hai Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ sẽ trả phần lớn chi phí đám cưới cho các con.
Anh cũng không cần phải chi trả số tiền đính hôn khoảng 100.000 NDT (gần 340 triệu) như truyền thống.
Nhà gái đứng ra lo liệu toàn bộ chi phí nếu người đàn ông đồng ý con sinh ra mang họ mẹ. Ảnh minh họa
Bố mẹ vợ tương lai của anh sẽ đứng ra lo toan toàn bộ chi phí nói trên. Việc anh cần làm chỉ là đứa trẻ do vợ sắp cưới sinh ra sẽ mang họ mẹ.
Về phần mình, người đàn ông có quan điểm, nếu vợ sinh con gái anh đồng ý cho mang họ mẹ. Tuy nhiên là con trai con phải mang họ của anh.
Và đương nhiên nếu cả hai đứa nhỏ đều là con trai thì cũng sẽ phải mang họ của anh ta. Khi được bạn gái hỏi nếu cả hai là con gái. Người đàn ông liền đề nghị sang Mỹ để tiến hành sàng lọc giới tính cho con.
Bài đăng nhanh chóng dấy lên làn sóng bất bình của người dùng mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích cách tính toán và quan điểm trọng nam khinh nữ của người đàn ông này.
"Đúng là kiểu đàn ông gia trưởng cổ hủ, anh không xứng có được tình yêu", một người bình luận.
Người khác mỉa mai: "Bạn gái anh ấy sai rồi. Anh ấy phải là người làm mọi việc nhà và sinh hai đứa con - hoặc cưới anh ấy để làm gì, nếu anh ấy không đóng góp một chút nào cho đám cưới và cuộc sống hôn nhân?".
Theo luật pháp Trung Quốc, một đứa trẻ có thể lấy họ của cha hoặc mẹ.
Các phong tục hôn nhân mới như lưỡng đầu hôn (hôn nhân 2 đầu) cũng đã làm lung lay truyền thống lâu đời về việc con cái lấy họ của cha.
Các cặp vợ chồng áp dụng hôn nhân 2 đầu (cưới xong ai ở nhà người nấy) thường có hai con, vì vậy con cái có thể lấy họ từ cả hai bên bố và mẹ.
Phong tục bắt nguồn từ đồng bằng sông Dương Tử, một siêu đô thị hình tam giác bao gồm các khu vực của Thượng Hải, nam Giang Tô, bắc Chiết Giang và bắc tỉnh Giang Tây.
Nó ngày càng được các cặp vợ chồng mới cưới (đặc biệt với trường hợp cả hai đều là con một trong gia đình) áp dụng. Tuy nhiên vẫn có nhiều người phản đối bởi nếu sống riêng như thế thì hôn nhân gia đình còn có ý nghĩa gì nữa.
Thùy Dung (t/h)