Ông Lưu Quang Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, nếu phải di dời trạm thu phí Cai Lậy thì đơn vị sẽ trả lại cho nhà nước và lấy tiền để đi chỗ khác đầu tư.
Theo báo VnExpress, chiều 17/8, ông Lưu Quang Hào cho biết, việc lái xe phản đối trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Ông Hào cho biết, trước đây, tỉnh Tiền Giang có chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng không thu xếp được vốn.
Dự án này được Bộ Giao thông kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP). Tuy nhiên, nếu chỉ có làm tuyến tránh Cai Lậy thì phương án tài chính không đảm bảo vì vậy dự án đã được các cấp xem xét thông qua đầu tư 12km tuyến tránh và nâng cấp 26,5km quốc lộ.
Ông Hào cho hay, thấy dự án khả thi và được tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay vốn nên mới dám làm. Số kinh phí bỏ ra chủ đầu tư chỉ có hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng. Hiện doanh nghiệp đang phải trả lãi hàng tháng nên rất khó khăn.
Trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: Vietnamnet |
Báo Dân Trí đưa tin, về phương án có thể di dời trạm thu phí, ông Lưu Quang Hào cho biết: “Việc xảy ra như thế này chúng tôi không biết làm sao. Trước mắt là trông chờ vào Bộ GTVT, sau đó là các cơ quan chức năng. Chúng tôi là doanh nghiệp nhưng cũng là người dân, cũng như chủ phương tiện nên chúng tôi cũng có những bức xúc của mình. Chúng tôi bỏ tiền làm đường bằng thật, vậy mà làm xong đường lại xảy ra như thế này nên rất áp lực, áp lực với cả bên cho vay vốn”.
Ông Hào cho rằng, đơn vị không bao giờ muốn di dời trạm thu phí. Tuy nhiên, nếu phải di dời thì sẽ "trả" lại dự án.
“Nếu phải di dời trạm thì trên cơ sở hợp đồng chúng tôi trả lại dự án cho Nhà nước, Nhà nước phải trả lại tiền cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đi chỗ khác cho đỡ đau đầu với kiểu như thế này” - ông Hào cho hay.
Trong một diễn biến liên quan đến vụ việc, trong buổi họp báo chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ không di dời trạm BOT Cai Lậy, vì trạm nằm trong khu vực dự án tuyến tránh Cai Lậy và cảo tạo mặt đường quốc lộ 1.
Thứ trưởng Đông cho hay, vị trí đặt trạm hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ Giao thông chấp thuận đặt trên phạm vi của dự án và theo phương án tài chính của nhà đầu tư. Trước khi đặt trạm, các đơn vị đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội theo quy định.
"Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn", Thứ trưởng nói.
Được biết, từ khi trạm BOT Cai Lậy đi vào hoạt động ngày 1/8, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ 200, 500, 1000 đồng khi đi qua trạm nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Ngày 16/8, Bộ Giao thông đã quyết định giảm mức phí lượt của các phương tiện qua trạm thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất là 160.000 đồng và miễn phí cho các xã nằm gần trạm thu phí, thực hiện từ 21/8.
(Tổng hợp)