Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà báo Hoàng Tích Chu và chuyện tình nức tiếng với 2 giai nhân Hà thành

(DS&PL) -

Hoàng Tích Chu là cái tên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong làng báo Việt. Ông không chỉ tài năng mà còn là người đàn ông lịch lãm, sở hữu ngoại hình điển trai như tài tử.

Hoàng Tích Chu là cái tên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong làng báo Việt. Ông không chỉ tài năng mà còn là người đàn ông lịch lãm, sở hữu ngoại hình điển trai như tài tử. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Hoàng Tích Chu đã gắn bó với 2 người phụ nữ xinh đẹp bậc nhất Hà thành. Chuyện tình của ông thậm chí còn trở thành nguồn cảm hứng để nhà báo Lê Cương Phụng viết thành sách.

Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam

Nhà báo Hoàng Tích Chu.

Hoàng Tích Chu (1897-1933) sinh ra trong một gia đình quan lại ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cha của ông đã có thời làm tri phủ. Lúc nhỏ, ông được học chữ Nho nhưng sau đó, văn hóa Pháp xâm nhập vào nước ta, Nho học dần suy tàn và khi giáo dục Pháp bắt rễ, Hoàng Tích Chu nhanh chóng bắt nhịp, chuyển sang học tiếng Pháp.

Sau 4 năm du học nghề báo ở Pháp, ông trở về, bán hết ruộng vườn, cho ra đời tờ Đông Tây tuần báo (ngày 15/11/1929, tại nhà 12 phố Nhà Thờ, Hà Nội)... Với cách nhìn nhận tân tiến, tờ Đông Tây tuần báo nhanh chóng trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc kỳ thời đó. Uy tín và tên tuổi Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Năm 1930, ông tự ứng cử vào viện Dân biểu và đã đắc cử với số phiếu cao nhất.

Hoàng Tích Chu được coi là người đầu tiên thực hiện cuộc cách mạng trong nghề báo ở nước ta, bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn. Ông làm đảo lộn quan niệm về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc, những người chưa quen với việc thông tin thể hiện thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính trị...

Là người đi đầu nên Hoàng Chu Tích từng phải đón nhận nhiều búa rìu dư luận, đa số trong đó là các đồng nghiệp, những người vẫn "theo lối làm báo cổ hủ ở xứ ta". Dẫu vẫn còn những đánh giá, nhận định khác nhau về Hoàng Tích Chu nhưng khi nói về các tờ báo mà ông đã thực hiện, nổi bật nhất là tờ Đông Tây tuần báo, người ta không thể không thừa nhận những đóng góp to lớn của ông. Với nhiều người, Hoàng Tích Chu hoàn toàn xứng đáng khi được coi là "người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam".

Cuộc tình dở dang với mỹ nhân Hà thành

Khi nói đến Hoàng Chu Tích nếu không nhắc đến 2 cuộc tình với 2 mỹ nhân nức tiếng đất Hà thành xưa thì quả là thiếu sót. Hai người phụ nữ ấy dù không thể cùng ông đi đến cùng trời cuối đất nhưng họ đã để lại những dấu ấn sâu sắc.

Những năm cuối thập niên 1920 đầu thập niên 1930, Hà Nội có 4 mỹ nhân xinh đẹp nức tiếng, họ được gọi là Tứ đại mỹ nhân Hà thành gồm: Cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy (người yêu trong mộng của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp). Người yêu của Hoàng Tích Chu là cô Phượng Hàng Ngang. Người con gái ấy đã bỏ lại tất cả để đến bên ông, bước qua dư luận để được sống trọn 2 chữ tình yêu với ông.

Cô Phượng Hàng Ngang tên thật là Vương Thị Phượng, con gái của một Hoa kiều tên Vương Toàn Thắng. Thuở ấy, nhan sắc của cô Phượng Hàng Ngang được ví là “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”. Không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, cô Phượng còn nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ khi biết đủ cầm kỳ thi họa. Chính vì điều này, việc lấy được cô Phượng Hàng Ngang làm vợ đã trở thành ước mơ và lời thách đố của biết bao công tử.

Cô Phượng Hàng Ngang.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký Những năm tháng ấy đã viết: “Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang”.

Thời điểm Hoàng Tích Chu và cô Phượng gặp gỡ, cô đã có chồng và một con (chồng tên là A Đấu, con của Hoa kiều Phan Vạn Thành). Người con gái tài sắc vẹn toàn như vậy nhưng lại có cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi chồng cô là kẻ ăn chơi, đàn điếm và tính tình thô lỗ. Vì sự chênh lệch mà cô Phượng bị xao lòng khi gặp gỡ Hoàng Tích Chu. Lúc đó, Hoàng Tích Chu là một nhà báo trẻ lịch lãm và hào hoa. Chuyện tình của họ say đắm đến độ nào không nhiều người biết, nhưng chắc chắn nó phải rất sâu đậm mới khiến cô Phượng bỏ lại tất cả để theo Hoàng Tích Chu.

Cuối năm 1922, cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích và sau đó, người ta mới biết cô theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn. Sau khi vào Sài Gòn được ít lâu, Hoàng Tích Chu sang Pháp du học, vì hoàn cảnh nên ông không thể đưa cô Phượng sang Pháp cùng. Trước khi đi, ông đã viết một bức thư với lời lẽ thống thiết để cô mang ra Bắc Ninh trao cho bố mẹ, xin nhận nàng làm con dâu.

Tuy nhiên, gia đình của Hoàng Tích Chu cự tuyệt khiến cô Phượng vô cùng đau khổ, phải sống phiêu bạt để kiếm sống. Mối tình với Hoàng Tích Chu đã khiến cuộc đời của cô Phượng Hàng Ngang rẽ sang hướng khác với những đoạn trường, truân chuyên và ra đi trong nỗi cô đơn. Năm 1928, ký giả Lê Cương Phụng viết tác phẩm Mồ cô Phượng, hai nhân vật chính trong câu chuyện là Hoàng Hồ và cô Phượng Hàng Ngang (Hoàng Hồ là một bút danh quen thuộc của Hoàng Tích Chu).

“Bà quả phụ Hoàng Tích Chu”

Một mối tình khác của Hoàng Tích Chu cũng lan truyền nhiều giai thoại chính là chuyện tình với mỹ nhân nức tiếng một thời, cô đốc Sao. Cô là người Hưng Yên, sinh năm 1898 và là vợ của một bác sĩ người Hoa tên Lầu Màn Sầu (Lưu Nam Sao). Thời ấy, người miền Bắc quen gọi bác sĩ là “đốc” (gọi tắt của đốc tờ), nên người ta gọi cô là cô đốc Sao.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của cô với vị bác sĩ lại không thể kéo dài, vì ông Lầu Màn Sầu qua đời chỉ vài năm sau khi kết hôn. Chồng mất, cô đốc Sao trở thành bà góa xinh đẹp và giàu có. Nhan sắc của cô đốc Sao thuộc dạng sắc nước hương trời khiến đàn ông mê đắm. Cô đốc có gương mặt xinh đẹp, vóc dáng đầy đặn, quyến rũ. Không chỉ xinh đẹp, quyến rũ, cô đốc Sao còn là người hát hay và khiêu vũ giỏi nên nhiều chàng trai mê đắm. Sau khi gặp và yêu Hoàng Tích Chu, cô đốc Sao chỉ gắn bó duy nhất với ông. Bà cũng là người ở bên cạnh ông những phút cuối đời.

Du học ở Pháp nên Hoàng Tích Chu là người có tư tưởng Tây hóa và khiêu vũ cũng rất giỏi. Ông chính là người đã giúp cô đốc Sao xây dựng phòng khiêu vũ đầu tiên của người Việt tại Hà Nội. Hoàng Tích Chu là một người đàn ông đa tài. Ông không chỉ là một nhà báo tài năng, nhảy đầm giỏi mà còn có gu thời trang thời thượng và ca hát rất hay. Vì vậy, ông đã giúp cô đốc Sao huấn luyện các vũ nữ, từ ca hát, nhảy múa đến việc lên đồ sao cho nổi bật. Ông cũng dạy họ tiếng Pháp để có thể giao tiếp với khách.

Yêu một người đàn ông tuyệt vời đến vậy nên cô đốc Sao toàn tâm toàn ý với mối tình này. Cô bỏ tiền lo cho tờ Đông Tây, chăm lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ và cũng chính là người lo lắng cho Hoàng Tích Chu khi ông bị bệnh. Tuy nhiên, Hoàng Tích Chu lại ra đi ở cái tuổi còn rất trẻ, 36 tuổi, để lại cho cô đốc Sao nỗi đau khôn nguôn. Sau khi ông mất, cô đốc Sao in lên danh thiếp dòng chữ: “Bà quả phụ Hoàng Tích Chu”.

Lê Anh

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 29

Tin nổi bật