Báo Giao Thông đưa tin, ngày 26/6, lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, đã có thống kê ban đầu về tình trạng tôm hùm, cá biển được nuôi trên vùng biển của thị xã này tiếp tục chết hàng loạt.
Thống kê từ Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, từ ngày 22 đến 24/6, có 88 hộ tại 6 vùng nuôi thủy sản của xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) xảy ra tình trạng tôm hùm, cá chết hàng loạt.
Bà con lo lắng khi tôm hùm và cá nuôi chết hàng loạt, trong ảnh là đợt tôm hùm chết hồi tháng 5/2024. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trong đó, số lượng tôm hùm thịt bị chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con (từ 1 đến 2 tháng tuổi) chết khoảng 6.000 con; cá biển các loại chết hơn 44,7 tấn. Ước tính thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm tra thực tế của tổ công tác thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nước tại khu vực cá chết có mùi hôi, màu nước trắng đục, cá tự nhiên ngoài bè nuôi cũng bị chết.
Đại diện Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên) cho biết nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết hàng loạt là do hàm lượng oxy hòa tan rất thấp kéo dài (khoảng 2 - 3 mgO2/l), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi, tôm hùm.
Ngoài ra, thời gian gần đây thời tiết trên địa bàn có nắng nóng kết hợp với mưa giông đột ngột vào chiều tối nên đã gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh dẫn đến ảnh hưởng môi trường nuôi trồng thủy sản.
Sở NN&PTNT cho rằng, tình trạng trên xảy ra do đồng thời các nguyên nhân, như mật độ lồng nuôi quá dày, trong đó có nhiều bè nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm (thường gọi là cơm cháy, đồng đen) gây cản trở nước hai (nước chà 2) lưu thông và tiêu thụ nhiều oxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ tại vùng nuôi.
Mực nước trong khu vực nuôi thấp (chỉ 2-3 m khi triều cường), biên độ triều thấp, hầu như không có dòng chảy.
Hồi tháng 5, ở khu vực đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra tình trạng tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt.
Thống kế của UBND thị xã Sông Cầu, đến chiều 23/5, trên địa bàn có bốn xã xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết gồm Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Đài và Xuân Thành, với số lượng 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá. Tổng thiệt hại ước tính hơn 38,4 tỷ đồng.
Xã Xuân Thịnh bị thiệt hại nặng nhất với 192 hộ, trong đó số lượng tôm bị chết hơn 64 tấn, còn cá gần 40 tấn, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.