Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên nhân nào khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Lebanon?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Lebanon, làm gần 2.800 người thương vong.

Vì sao máy nhắn tin vẫn phổ biến ở Lebanon?

Theo thông tin trên Tuổi Trẻ Online, hàng trăm máy nhắn tin do các thành viên Hozbollah và những người khác sử dụng trên khắp Lebanon vào ngày 17/9, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và khoảng 2.750 người bị thương. Hezbollah đổ lỗi cho Israel về các vụ nổ máy nhắn tin và thề sẽ "trừng phạt" nước này, tuy nhiên Israel chưa lên tiếng về vụ việc.

Một thành viên của Hezbollah tiết lộ, các thiết bị phát nổ nói trên là mẫu máy nhắn tin mới mà nhóm này chưa từng sử dụng trước đây. Theo Reuters, các nguồn tin an ninh cũng cho biết mẫu mới nhất được Hezbollah đưa vào sử dụng trong những tháng gần đây.

Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc nhỏ được sử dụng phổ biến trước điện thoại di động, chuyên nhận và hiển thị tin nhắn văn bản hoặc phát tin nhắn thoại. Có hai loại là máy nhắn tin một chiều (chỉ có thể nhận tin nhắn) và máy nhắn tin hai chiều (có thể gửi và nhận tin nhắn).

Thiết bị này hoạt động trên sóng vô tuyến. Nhà mạng gửi tin nhắn bằng tần số vô tuyến chỉ có ở thiết bị của người nhận. Người ta cho rằng, công nghệ cơ bản được sử dụng trong máy nhắn tin cũng như việc chúng phụ thuộc vào phần cứng vật lý có nghĩa là chúng khó bị theo dõi hơn. Vì vậy, máy nhắn tin phổ biến với các lực lượng như Hezbollah vốn ưu tiên cả tính di động và an ninh.

Phần còn lại của máy nhắn tin bị phá hủy và cảnh mọi người ở bên ngoài một bệnh viện tại Beirut (Lebanon) sau vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: Reuters, X

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trước đây đã cảnh báo các thành viên của nhóm vũ trang này không được mang theo điện thoại di động để tránh bị Israel theo dõi. Do đó, tổ chức này dùng máy nhắn tin để liên lạc.

Các thành viên Hezbollah cũng dùng thiết bị công nghệ thấp như bộ đàm nhằm tránh bị tình báo Israel liên lạc. Họ có thể gửi tin nhắn được mã hóa mà không tiết lộ vị trí của mình. Máy nhắn tin cũng thường xuyên được sử dụng tại các cơ sở y tế ở Lebanon.

Máy nhắn tin phát nổ vì quá nhiệt hay bị gắn chất nổ?

Với việc các nhà điều tra hiện tại cung cấp rất ít thông tin về nguyên nhân, nhiều giả thuyết đã xuất hiện về cách thức thực hiện cuộc tấn công. Theo thông tin sơ bộ, nguyên nhân có thể là do pin của thiết bị quá nóng và phát nổ.

Bên cạnh đó, có suy đoán về sự xuất hiện của một loạt máy nhắn tin đáng ngờ mới, theo thông tin trên báo Thanh Niên. Các báo cáo ban đầu cho rằng máy chủ của hệ thống nhắn tin đã bị xâm nhập, dẫn đến việc cài đặt một tập lệnh gây quá tải. Điều này có thể dẫn tới tình trạng quá nhiệt của pin lithium, khiến các thiết bị phát nổ.

Thiệt hại vật lý mà người dùng thiết bị phải chịu có thể từ nghiêm trọng đến nhẹ, tùy thuộc vào khu vực tiếp xúc với thiết bị.

Tương tự như điện thoại di động và nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng khác, máy nhắn tin cũng dựa vào pin lithium có thể sạc lại để hoạt động. Daily Mail cho biết khi bắt lửa, ngọn lửa từ pin có thể cháy tới 590 độ C.

Máy nhắn tin một chiều là máy thu thụ động nên không thể bị theo dõi nhưng khi một tin nhắn được gửi đi thì nó sẽ kích hoạt mọi máy phát tin nhắn trong khu vực. Bằng cách chiếm đoạt tín hiệu phát sóng, đối tượng tấn công có thể lây nhiễm đồng thời mọi máy nhắn tin trên mạng.

Trao đổi với Bloomberg, Bộ trưởng Viễn thông Lebanon Johnny Corm nói việc pin quá nóng cho thấy "có hành vi gian lận". Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Robert Graham đã bác bỏ lý thuyết này. Theo ông, rất khó có thể khiến pin cháy, mà khả năng là có người đã hối lộ nhà máy sản xuất để cài thuốc nổ.

Một số chuyên gia nhận định, các thiết bị nổ cực nhỏ có thể đã được gắn sẵn vào máy nhắn tin, trước khi chúng được chuyển cho thành viên Hezbollah. Sau đó, đối phương sẽ kích hoạt thiết bị nổ từ xa cùng một lúc, có thể bằng tín hiệu vô tuyến.

Đoạn video về một vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon do máy quay giám sát ghi lại. Nguồn: Reuters

Theo ông Carlos Perez - Giám đốc tình báo an ninh tại TrustedSec, vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, "có lẽ pin sạc một nửa là pin thật, một nửa là chất nổ".

Trong khi đó, giáo sư Deepa Kundur tại Đại học Toronto (Canada) nói rằng bà nghi ngờ đây là do chuỗi cung ứng. Theo bà, thủ phạm sẽ xâm nhập vào chuỗi cung ứng thượng nguồn của máy nhắn tin để sản xuất một thành phần quan trọng có tích hợp thuốc nổ, mà nhà cung cấp cuối cùng không hề hay biết.

Thành phần nổ có thể nằm trong máy nhắn tin trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi phát nổ. Chúng chỉ nổ khi nhận được tin nhắn kích hoạt bộ phận đã sửa đổi, theo thông tin trên báo Tin Tức.

Đoạn video trích xuất từ camera an ninh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một chiếc máy nhắn tin phát nổ bên hông một người đàn ông tại một khu chợ ở Lebanon. Sau đoạn video này, hai chuyên gia về đạn dược cho hay vụ nổ có vẻ là do một thiết bị nổ nhỏ gây ra.

"Khi xem qua video, có thể thấy quy mô vụ nổ tương tự như vụ nổ do một kíp nổ điện đơn lẻ gây ra hoặc một kíp nổ có kết hợp lượng thuốc nổ cực nhỏ và mạnh", ông Sean Moorhouse - cựu sĩ quan quân đội Anh và là chuyên gia xử lý bom mìn, chỉ ra.

Cũng theo ông Sean Moorhouse, cơ quan tình báo Mossad của Israel là bên đáng ngờ nhất có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công như vậy.

Giả thuyết về virus

 Có khả năng một loại virus đã được cấy vào mạng máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Chúng “ẩn náu” trên các thiết bị cho tới khi lây lan rộng rãi. Phần mềm độc hại này có thể đã được kích hoạt từ xa hoặc được kích hoạt theo bộ hẹn giờ được lập trình sẵn.

Từ các đoạn video, có thể thấy các thiết bị dường như đã nhận được tin nhắn ngay trước khi phát nổ. Tín hiệu này có thể là tác nhân gây ra vụ nổ hoặc có thể được sử dụng để đảm bảo rằng người dùng đang giữ thiết bị khi chúng phát nổ.

Một số ý kiến khác cho rằng có tín hiệu điện tử kích hoạt hàng loạt vụ nổ. Ông Mark Montgomery tại của Ủy ban Solarium An ninh mạng (Mỹ) chia sẻ: “Nếu đúng như vậy, tôi nghi ngờ đó là một nhược điểm vật lý cố ý do mạng hoặc tín hiệu tần số vô tuyến tác động”.

Đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah đã chiếu hình ảnh về máy nhắn tin Motorola được sử dụng trước vụ tấn công. Các lãnh đạo Hezbollah cáo buộc những máy nhắn tin này đã được kích nổ bằng công nghệ cao bởi Israel. Motorola đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu của Bloomberg bình luận về vụ việc.

Nếu những vụ nổ này là sản phẩm của một cuộc tấn công mạng thì đây là trường hợp cực kỳ hiếm hoi khi cuộc chiến mạng gây gián đoạn cơ sở hạ tầng vật lý.

Tin nổi bật