Báo Công thương đưa tin, chiều 7/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở tiệm cô Băng (số 148/18 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh).
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì đều bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Tiệm bánh mì cô Băng ở TP. Long Khánh. Ảnh: Người lao động
Trước đó, ngày 6/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP. Long Khánh). Còn ngày 4/5, trong 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các em bị nhiễm trùng E.coli.
Theo tìm hiểu, vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Theo báo Dân trí, ngày 30/4, cửa hàng bánh mì Băng bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
Chủ cửa hàng bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương).
Hiện cơ sở này đã bị ngưng hoạt động. Đến ngày 7/5, có 568 ca nhập viện thăm khám, điều trị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng.