Halloween là ngày gì?
Halloween là một lễ hội truyền thống lớn được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, trước ngày Lễ các Thánh của đạo Kitô giáo.
Ngày Halloween được tổ chức để đánh dấu sự kết thúc của vụ mùa thu hoạch và bắt đầu mùa đông lạnh giá, nhằm tưởng nhớ những người quá cố, gồm các vị thánh, các vị tử vì đạo và tất cả những người thân đã qua đời.
Lễ hội Halloween có tên gốc gọi là All Hallows' Eve. Trong đó, "Hallow" là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là "thánh", còn trong tiếng Scotland, từ "eve" chính là even (chiều tối) trong tiếng Anh, từ này cũng được viết ngắn gọn thành e'en hay een.
Trải qua nhiều thế kỷ, All Hallows' Eve dần trở thành Halloween và là tên gọi chính thức được nhiều người biết đến trên toàn thế giới.
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Halloween mà không phải ai cũng biết.
Ngày nay, lễ hội Halloween thường được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới, quy mô lớn hay nhỏ tùy theo mỗi quốc gia. Song giờ đây, các ngày lễ trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi.
Các biểu tượng đặc trưng cho lễ hội này là những trái bí ngô đèn lồng, hình ảnh phù thủy ma mị, trái táo độc, những con ma quỷ đáng sợ hay những con vật báo hiệu cho cái chết như cú mèo, dơi...
Trong ngày Halloween, mọi người thường hóa trang thành những nhân vật ma quái, xuất hiện cùng nhau dưới ánh trăng, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.
Ngày Halloween năm 2023 là ngày thứ Tư, 31/10/2022.
Nguồn gốc và ý nghĩa Halloween
Nguồn gốc của Halloween
Nguồn gốc Halloween bắt đầu từ một ngày lễ cổ của người Celtic, là một nhóm các bộ lạc, bộ tộc và dân tộc của thời kì đồ sắt và thời kì đầu Trung Cổ của Châu Âu. Ngày lễ này có tên gọi là Samhain và là ngày kỷ niệm một năm mới của họ được bắt đầu từ hơn 1900 năm trước ở Ireland, Anh và miền Bắc của nước Pháp. Người Celtic coi ngày này là ngày tôn vinh vụ mùa thu hoạch, đánh dấu thời điểm chuyển sang mùa đông.
Người Celtic tin rằng vào ngày 31/10 cũng là lúc địa ngục mở cửa, ranh giới giữa cái chết và sự sống dễ bị lấn lướt. Vì thế, họ thường tắt lửa để cho nhà cửa thật lạnh và tối như không có người sống, sau đó hóa trang thành người chết, ma quỷ đi quanh khu vực sống để xua đuổi các linh hồn đến từ thế giới bên kia.
Mãi cho tới khi thánh Patrick cùng đoàn truyền giáo đến khu vực sinh sống của người Celtic thì ngày lễ này bắt đầu ít được tổ chức. Tuy nhiên, sau đó, các nhà thờ đã thay đổi ngày lễ này thành một lễ hội mang nhiều ảnh hưởng của đạo Kito giáo.
Sau đó, tới thế kỷ thứ 8, Giáo hoàng Gregorius III đã quyết định chuyển ngày lễ Các Thánh Tử đạo (ngày 13/5) sang ngày 1/11 và gọi nó là ngày Các Thánh. Vào ngày Các Thánh, người dân sẽ tổ chức các hoạt động của lễ Samhain và đêm trước ngày Các Thánh được gọi là Halloween.
Vào năm 1840, theo phong trào di cư của người Ireland sang Mỹ, lễ hội Halloween cũng du nhập theo. Dần dần theo trào lưu hội nhập của thế giới, Halloween đã thành một lễ hội phổ biến toàn thế giới.
Ý nghĩa ngày Halloween
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Halloween mà không phải ai cũng biết.
Halloween được tổ chức đầu tiên vào đêm trước (31/10) ngày Lễ các Thánh (1/11) và kết thúc là ngày Lễ Linh hồn (2/11). Đây là 3 ngày liên tiếp nhau và được tổ chức với một ý nghĩa là nhằm tôn vinh các vị thánh đã hoặc chưa được lên Thiên Đàng, trong đó có nữ thần mùa màng của người Celt cổ đại.
Bên cạnh đó, ngày này còn mang ý nghĩa tưởng nhớ những người thân đã mất. Trong ngày lễ Halloween, các linh hồn người đã chết sẽ được phép về thăm gia đình. Công giáo La Mã cho rằng, những lời cầu nguyện trên trần thế sẽ giúp những linh hồn tẩy rửa được tội lỗi và sớm được về với Chúa.
Đây chính là những yếu tố khiến cho lễ hội Halloween thường hay gắn liền với các hình tượng như phù thủy, ma quỷ, tiên nữ...
Ngoài ra, ý nghĩa ngày Halloween còn gắn liền với một truyền thuyết của người Ireland, kể về một chàng thiếu niên có tên là Jack. Jack đã chết nhưng linh hồn không được lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt, không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng, anh ta cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Thấy Jack khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường đi. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của mình. Đây cũng là lí do vì sao bí ngô trở thành biểu tượng chính cho ngày Halloween.
Ý nghĩa nhân văn
Mặc dù Jack chỉ là một nhân vật ở trong truyền thuyết nhưng anh chàng này cũng là đại diện cho một bộ phận những người luôn cô đơn trong cuộc sống. Dù sống hay chết, anh ta cũng không có chỗ nương thân, địa ngục hay thiên đàng đều không chấp nhận.
Vì thế, để cho anh chàng Jack có một ngày được sống vui vẻ, người dân phương Tây đã tổ chức ngày lễ Halloween để mọi người có thể hóa trang thành ma quỷ và Jack có thể cùng tham gia. Đó là ý nghĩa nhân văn của ngày này.
Ý nghĩa giáo dục
Từ kết cục của Jack chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học cho cuộc sống như: Chúng ta không nên sống quá bủn xỉn, cần phải có lòng tốt giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngoài ra, con người cũng không nên giao du với ma quỷ, có thể hiểu là những thói xấu khiến người khác bị hại để rồi sau này phải nhận lại kết cục đáng buồn cho bản thân.
Như Quỳnh (T/h)