Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người yêu thú cưng bị đe dọa tính mạng do nhiễm giun chó mèo

(DS&PL) -

Giun “làm tổ” trong não, chui lên mắt, thậm chí gây tử vong. Đó là những nguy cơ khủng khiếp mà loại giun đũa chó mèo gây ra.

Giun “làm tổ” trong não, chui lên mắt, thậm chí gây tử vong. Đó là những nguy cơ khủng khiếp mà loại giun đũa chó mèo gây ra. Một người đàn ông suýt bị liệt vì giun chui lên não là bài học cảnh tỉnh cho những người yêu thú cưng phải biết tự bảo vệ mình, tránh rước họa vào thân.

Giun “làm tổ” trong não, chui vào mắt, “ăn” thủng ruột          

Đại diện viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho hay, từ đầu năm 2017, số bệnh nhân nhập viện do mắc giun sán tăng hơn so với mọi năm, trong đó, bệnh nhân mắc giun đũa, chó mèo khá nhiều. Thậm chí, nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phát tán ra môi trường.

Mới đây, viện Sốt rét Ký sinh trùng -Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn D. (ở huyện Vĩnh Bảo-Hải Phòng) bị giun đũa làm tổ trong não. Do bị giun đũa chó mèo lên não làm tổ và chèn ép dây thần kinh nên anh D. cũng không thể đi lại được. Điều đáng nói, sau những cơn ngứa ngáy khó chịu đó, chân phải của anh bỗng nhiên đau nhức, có cảm giác như bị liệt. Quá lo lắng, gia đình đưa anh đến một bệnh viện chụp chiếu và kiểm tra. Tại đây anh được chẩn đoán bị u não. Tuy nhiên, bệnh viện này vẫn khuyến cáo bệnh nhân nên đi kiểm tra lại để có kết quả đối chứng.

Cho trẻ em tiếp xúc nhiều với chó mèo rất có thể bị nhiễm giun sán.

Ngay sau đó, anh D. đã sang viện Đại học Y Hà Nội kiểm tra lại và kết quả khá bất ngờ, bác sĩ thông báo anh mắc loại giun đũa chó mèo. Ngay sau khi có kết quả, anh D. được chuyển sang viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương làm các xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả cho thấy, anh D. bị nhiễm loại giun có tên Toxocara spp thường có trong ruột của chó, mèo. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng của anh D. tiến triển tốt.

Liên quan đến trường hợp anh D., theo chia sẻ của vợ bệnh nhân, gia đình anh có nuôi 1 con chó và 3 con mèo. Anh D. thường xuyên chơi, tắm và bắt rận cho những con vật này. Đó có thể là nguyên nhân khiến chồng chị bị giun đũa chó mèo tấn công.

Theo tìm hiểu của PV, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng từng tiếp nhận một số trường hợp bị nhiễm giun đũa chó mèo. Điển hình, mới đây bệnh viện từng cấp cứu cho một bệnh nhân nhi và một phụ nữ 47 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) bị viêm não do giun đũa chó. Cả hai bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng đau đầu kèm sốt, mặc dù đã uống thuốc nhưng không đỡ. Càng ngày triệu chứng đau đầu càng tăng, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện xét nghiệm, các bác sĩ cho biết cháu bị viêm màng não do giun đũa chó.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, thông thường những bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng có các biểu hiện như đau bụng, ngứa hoặc mệt mỏi thoáng qua hoặc không đặc trưng.

Nhiều bệnh nhân đi khám nhiều bệnh viện không ra bệnh và ít ai nghĩ đến bệnh giun sán. Thế nhưng, chúng có thể gây tổn thương lớn, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, thậm chí có thể chết người.

Trước đó, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã cấp cứu thành công một bệnh nhi bị giun đục thủng ruột thừa, nhiễm độc nặng. Bệnh nhi này 2 tuổi, bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 7kg (quê ở Sơn La). Cháu bé được đưa xuống khám mắt. Tuy nhiên sau khi khám mắt, bất ngờ bé bị đau bụng và được phẫu thuật cấp cứu.

Điều đáng nói, khi mở ổ bụng, các bác sĩ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé. Phẫu thuật viên chính điều trị cho bé phải thốt lên, đây là lần đầu tiên trong 15 năm làm nghề y, bác sĩ gặp trường hợp nhiễm giun đục thủng ruột thừa ở bệnh nhi.

Số ca nhiễm giun chó mèo khá phổ biến, tại khoa Mắt, bệnh viện E (Hà Nội) từng tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 13 tuổi bị nhiễm giun trong mắt. Ban đầu, con giun ở trong dịch kính, võng mạc. Việc lấy giun ra khỏi mắt cháu bé hết sức khó khăn vì có khả năng ảnh hưởng nhiều đến mắt bệnh nhi. Tuy nhiên, sau đó giun đã chui ra phía ngoài, do vậy các bác sĩ đã tiến hành lấy giun ra khỏi mắt cháu bé dễ dàng hơn.

Nhiễm giun có thể gây tử vong

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, giun đũa chó sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Trứng theo phân ra ngoài, người nuốt phải trứng do vuốt ve hay ôm chó, mèo hoặc chó, mèo phóng uế bừa bãi làm phát tán trứng trong môi trường. Khi vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường máu “chu du” đến khắp nơi như não, mắt, gan, phổi... và gây ra các triệu chứng bệnh ở các cơ quan này. Giun xâm nhập vào mô gan gây áp xe gan, vào cơ quan sinh dục làm thủng thực quản.

“Đa số các trường hợp nhiễm giun nhẹ thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi nhiễm một con giun duy nhất cũng có thể gây áp xe gan hay làm tắc ống dẫn mật. Tại nơi cư trú bình thường (ruột non), nếu bệnh nhân bị nhiễm nặng giun trưởng thành có thể gây ra viêm ruột, xoắn ruột, tắc ruột hoặc lồng ruột, nếu không được xử lý và điều trị đúng sẽ tử vong”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Về các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm giun đũa từ chó mèo, "chu du" vào cơ thể gây bệnh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho rằng điều đó không quá bất ngờ. Bởi thực tế ở nước ta, chó mèo được nuôi không kiểm soát, thả rông, phân chó bắt gặp ở khắp nơi, do đó mọi người đều có nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo. Đặc biệt, ấu trùng giun đũa chó có thể sống trong cơ thể người đến 10 năm và bảo tồn sự sống bằng cách thải ra chất ngụy trang để chống lại sự tấn công của bạch cầu ái toan và kháng thể của chúng.

Theo đó, sau khi xâm nhập vào người, ấu trùng giun đũa có thể di chuyển vào mắt, thường ở một bên mắt, hiếm khi hai bên, làm giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong mắt. Khi chúng vào phổi gây ra triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp. Đặc biệt, giun đũa chó mèo còn di chuyển lên não gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, có những biến chứng trầm trọng làm cho bệnh nhân bị yếu cơ, rối loạn cảm giác, co giật, hôn mê, động kinh, mất điều khiển vận động, cứng cổ, rối loạn tâm thần... Nhiều trường hợp nặng gây chết người.

Ngoài nguy cơ nhiễm giun, sán từ chó mèo, bác sĩ Thường còn khuyến cáo người dân không nên ăn đồ tái, rau sống để tránh ký sinh trùng, ấu trùng xâm nhập cơ thể. Bác sĩ Thường chia sẻ, ông từng gặp một ca bệnh ở trẻ mới 13 tháng tuổi (trú Ba Vì, Hà Nội) bị viêm màng não do giun lươn. Dù ở độ tuổi này, cháu chưa hề ăn các đồ như rau sống, đồ tái. Các bác sĩ nghi ngờ cháu bé có thể nhiễm giun lươn do đi chân đất, nghịch đất, cát khiến ký sinh trùng xâm nhập cơ thể.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, để phòng tránh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo hay bệnh ký sinh trùng nói chung, điều cần tuyệt đối tuân thủ là ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn. Các gia đình nên tẩy giun sán định kỳ cho vật nuôi và có biện pháp xử lý chất thải của chó mèo một cách đảm bảo, tránh để ngoài môi trường trở thành nguồn phát tán bệnh ra cộng đồng.


Thơm Lan

Tin nổi bật