Chiều 2/10, tại buổi họp báo thông tin tình hình kết quả công tác công an quý 3, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, đã trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan báo chí liên quan đến công tác đấu giá biển số xe ô tô.
Theo Thiếu tướng Đức, công tác đấu giá biển số xe đến nay cơ bản đã thành công.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo chiều 2/10. Ảnh: Thanh niên
Theo đó, từ ngày 15/9 đến 30/9, 493 biển số đã được đấu giá, dự thu hơn 214 tỷ đồng.
Đến nay, có 76 người đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp 16,8 tỷ đồng; 3 khách hàng đã đăng ký biển số.
Liên quan phiên đấu giá đầu tiên ngày 15/9, có 11 biển số được đấu giá thành công, trong đó có biển số 51K-888.88 trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng, Thiếu tướng Đức thông tin, 5 người trong phiên đấu giá trên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
6 cá nhân còn lại, trong đó có vị khách trúng đấu giá biển ngũ quý 8, đang liên hệ Cục CSGT để tìm hiểu các bước tiếp theo.
Biển số xe 51K-888.88 TP.HCM được chốt mức giá kỷ lục hơn 32 tỷ đồng. Ảnh: VOV
XEM THÊM: Kịp thời giải cứu 4 nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy ở Hải Phòng
Thiếu tướng Đức cho hay, đối với trường hợp khách hàng bỏ cọc đã có pháp lý quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm tại Nghị quyết 73/2022, Nghị định 39/2023 và trong biên bản trúng đấu giá khách hàng đã ký. Việc người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá là một hợp đồng dân sự và người ký phải có ý thức thượng tôn pháp luật.
Nghị quyết 73/2022 và Nghị định 39/2023 không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Trường hợp bỏ cọc, biển số sẽ được đưa về kho để tiếp tục đấu giá lại, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc.
Việt Hương (T/h)