Korea Herald đưa tin, một người phụ nữ 37 tuổi (được giấu kín danh tính, tạm gọi là A.) đã đâm 3 người khác trên chuyến tàu đi đến ga Jukjeon ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) vào hôm 4/3 vừa qua. Được biết, trong số những người bị thương có hai người phụ nữ ở độ tuổi 60 và một người đàn ông ở độ tuổi 50.
Một trong những nạn nhân phải phẫu thuật, may mắn là không có ai gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Người phụ nữ dùng dao đâm 3 hành khách trên tàu điện ngầm vì bị gọi là "bà thím". Ảnh: Unplash
Theo cảnh sát Hàn Quốc, khi nghi phạm đang nói chuyện điện thoại thì một trong hai người phụ nữ đã yêu cầu cô hạ giọng xuống và gọi cô là "ajumma". Nghi phạm cho rằng cách gọi này đã xúc phạm cô nên dùng dao mang theo để tấn công người này. Hai nạn nhân khác bị thương khi cố gắng ngăn cản hành vi bạo lực của cô A..
Nhà chức trách cũng cho biết, cô A. đang điều trị một số triệu chứng về tâm thần, dường như có liên quan tới bệnh trầm cảm. Cảnh sát cũng tìm thấy thuốc an thần trong túi xách của cô.
Có khả năng, cô A. sẽ bị cáo buộc với tội danh “Bạo lực nghiêm trọng” đối với người khác. Cáo buộc này có thể được đưa ra một người sử dụng vũ khi gây thương tích cho người khác, hoặc hành vi hành hung tập thể và có thể bị phạt từ 1 đến 10 năm tù.
Theo Straits Times, mặc dù từ "ajumma" là một cách thông thường để chỉ một phụ nữ trung niên nhưng nó dần trở thành một từ ngữ tiêu cực đối với người Hàn Quốc.
Các chuyên gia nghiên cứu về phụ nữ cho biết, "ajumma" thường khiến người ta liên hệ với những định kiến tiêu cực phổ biến trong xã hội Hàn Quốc về phụ nữ, bao gồm việc bị coi là hung hăng và tự cho mình là trung tâm, hoặc thậm chí là thô lỗ. Các chuyên gia cho rằng điều này càng trở nên trầm trọng hơn do xã hội ngày càng thiếu tôn trọng với những bà nội trợ toàn thời gian, ở nhà chăm sóc con cái, gia đình.
Việc sử dụng công khai từ "ajumma" cũng từng dẫn đến những tranh cãi trong quá khứ.
Vào năm 2021, ứng cử viên thị trưởng Seoul khi đó là Ahn Cheol-soo – của Đảng Nhân dân (hiện đã tan rã), đã bị chỉ trích khi đề cập đến đối thủ của mình là Park Young-sun của Đảng Dân chủ Hàn Quốc bằng cách gọi bà này là “bà thím có căn hộ ở Tokyo”.
Riêng vào năm 2019, một tòa án địa phương đã giữ nguyên quyết định của quân đội Hàn Quốc đình chỉ một đại tá. Quyết định cho hay, việc ông này gọi cấp dưới là “ajumma” có hàm ý xúc phạm.
Cũng trong năm 2019, Yakult Hàn Quốc đã chính thức ngừng gọi nhân viên bán hàng nữ của mình là “Yakult ajumma”, thay vào đó gọi họ là “Quản lý mới”.
"Không quan trong là bạn kết hôn hay có con chưa, khi bị gọi là 'ajumma' nghĩa là quãng thời gian thanh xuân của bạn đã kết thúc và bạn đang tiến vào thời của những người phụ nữ trung niên kém hấp dẫn”, Min Yu-ri, một bà mẹ 47 tuổi sống ở Seoul cho biết.
Vi An/Theo Straits Times