Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (Hà Nội), mới đây, bệnh viện tiếp nhận và xử lý thành công cho một trường hợp bị gián đất chui vào tai. Đó là bệnh nhân V.T.H, 54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội.
Bệnh nhân cho biết, thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vài ngày trước, trong khi đang ngủ, cô bất ngờ nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai. Lo lắng, cô đã đến một bệnh viện gần nhà để kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ phát hiện trong tai cô H có một con gián đất, nhưng không thể gắp ra được do các gai chân của con gián găm vào da ống tai, chỉ cần chạm nhẹ bệnh nhân đã đau nhói. Sau đó, cô H quyết định tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Sau thăm khám, bác sĩ đã khéo léo gắp bỏ bỏ con gián ra khỏi tai cô H một cách an toàn. Kết thúc thủ thuật, ống tai bệnh nhân nguyên vẹn, không chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Bác sĩ đã khéo léo gắp bỏ bỏ con gián ra khỏi tai bệnh nhân một cách an toàn. Ảnh: BVCC.
Theo các bác sĩ, gián đất (tên khoa học là Eupolyphaga sinensis) là loài côn trùng thuộc họ Blaberidae, có màu nâu sậm hoặc nâu đen, không cánh, di chuyển nhanh bằng cách bò. Chúng ăn tạp, có khả năng phá hủy môi trường tự nhiên khi tiêu thụ các loại mầm cây, cám gạo, xác động vật phân hủy, thậm chí là phân của các loài động vật khác. Trong môi trường đô thị, gián đất thường tìm nơi ẩn náu vào ban đêm tại các kẽ tủ, hầm thoát nước và các góc khuất tối trong nhà.
Khi gián đất xâm nhập vào tai, chúng có thể gây ra nhiều nguy cơ như:
Kích thích và tổn thương ống tai: Chân của gián đất có các gai nhỏ có thể gây ra trầy xước, tổn thương da ống tai. Trong trường hợp chúng cố gắng tìm đường ra, hoặc người bệnh cố gắng tự lấy ra không đúng cách, có thể dẫn đến tổn thương màng nhĩ.
Nhiễm trùng: Gián đất mang theo nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gián có thể mang đến 32 loại vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu và một số bệnh nguy hiểm khác.
Tâm lý lo lắng: Sự hiện diện của gián trong tai có thể gây hoảng loạn và căng thẳng cho người bệnh, đặc biệt khi không biết nguyên nhân của sự khó chịu trong tai.
Bác sĩ Nguyễn Phương Dung - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khuyến cáo: Côn trùng chui vào tai có thể gây ra tác hại không mong muốn, vì thế người dân tuyệt đối không được xem nhẹ vấn đề này.
Khi phát hiện tai đau nhói, nghe tiếng lạ trong tai, nghi ngờ có côn trùng chui vào tai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ lấy côn trùng ra cũng như xử lý những tổn thương do côn trùng gây ra.
Sau khi lấy được côn trùng ra ngoài, nên chú ý vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc đều đặn để phòng ngừa viêm nhiễm.
Khi xử lý côn trùng chui vào tai không được sử dụng các dụng cụ để ngoáy móc, không tự nhỏ thuốc hay oxy già vào tai. Điều này vô hình đẩy côn trùng vào sâu hơn, côn trùng giãy đạp làm tổn thương niêm mạc ống tai, khiến việc loại bỏ chúng càng thêm khó khăn.
Một điều mà bạn cần đặc biệt lưu ý là không thực hiện các phương pháp dân gian để xử lý khi bị côn trùng chui vào tai. Những phương pháp như hơ lá, xông hơi… không chỉ không có tác dụng mà còn khiến côn trùng hoảng sợ, chạy càng sâu hơn.
Cũng theo bác sĩ, côn trùng chui vào tai có thể gây ra nhiều phiền toái không mong muốn. Do đó, bên cạnh xử lý đúng cách, phòng tránh tình trạng này cũng rất quan trọng. Người dân nên lưu ý thực hiện những điều sau:
Vệ sinh không gian sống thường xuyên, chú ý sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng tránh côn trùng ẩn nấp.
Không ngủ trên nền đất: nền đất ẩm thấp không tránh khỏi các loại côn trùng, có có thể đi qua và vô tình chui vào tai của bạn. Đồng thời, cần thường xuyên giặt chăn gối để tránh thu hút côn trùng ghé thăm.
Đối với các bé, cần chú ý vệ sinh cơ thể, thay quần áo sạch sẽ, đặc biệt là sau khi bú sữa để hạn chế dụ côn trùng tới. Ngoài ra, trẻ nên chơi ở những nơi sạch sẽ, thoáng mát.