Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng các đồng phạm về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và rửa tiền.
Trương Huệ Vân tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Tiền Phong
Theo bản án sơ thẩm, với vai trò Tổng Giám đốc Công ty WMC, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã ký các hợp đồng và chứng từ khống, giúp Công ty WMC chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông để mua trái phiếu sơ cấp.
Hành vi này được xác định là đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan trong việc chiếm đoạt số tiền trên. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Huệ Vân 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vân đã trình bày lại kháng cáo với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vân khẳng định, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bản thân còn trẻ, thiếu hiểu biết về tài chính và pháp luật, không có ý định lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, bị cáo cũng đề nghị tòa xem xét vai trò của mình trong vụ án và xin được trả lại một số tài sản cá nhân không liên quan.
Trong phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh, dù bị cáo khai không nhận chỉ đạo từ ai, nhưng với cương vị lãnh đạo, bị cáo cần có trách nhiệm về các hành vi đã thực hiện.
Tuy nhiên, tòa cũng ghi nhận việc bị cáo đã khắc phục thêm 2 tỷ đồng trước phiên xét xử phúc thẩm, nâng tổng số tiền khắc phục lên 5 tỷ đồng.
Được gọi lên bục khai báo, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB cũng trình bày lại nội dung kháng cáo. Bị cáo Văn cho rằng, mức án 12 năm tù tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Ảnh: Dân Trí
Ông Văn bị cáo buộc giúp sức cho bà Lan lừa đảo hơn 28.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 11.998 tỷ đồng.
Trình bày tại tòa, bị cáo Văn thừa nhận việc phát hành trái phiếu là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng tại thời điểm vụ án xảy ra, khung pháp lý về phát hành trái phiếu còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, sau này mới có loạt nghị định sửa đổi.
Bên cạnh đó, bị cáo Văn khai nhận chỉ giữ vai trò phân phối các gói trái phiếu và ký các lệnh chuyển tiền giúp bà Trương Mỹ Lan.
"Bản thân bị cáo cũng cảm thấy đau lòng về việc gây ra hậu quả vụ án. Bị cáo có tham gia vào việc phân phối trái phiếu đến các bị hại vì muốn tăng thêm nguồn thu cho SCB. Sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thấy mình sai", bị cáo Văn nói và cho biết nhận trách nhiệm sai phạm với tư cách là người đứng đầu ngân hàng.
Tòa sơ thẩm áp dụng cho bị cáo Văn 3 tình tiết giảm nhẹ. Tại tòa phúc thẩm, cựu Tổng giám đốc SCB nói hiện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 6 người con nhỏ nên không có khả năng bồi thường thiệt hại, báo Dân Trí đưa tin.