Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người mẹ ngậm dầu phun lửa mỗi đêm ở phố Tây Bùi Viện để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học

(DS&PL) -

Từ ngày quyết định rời bỏ người chồng bê tha, cờ bạc, chị Sen một mình chăm lo cho 2 cậu con trai nhỏ. Buôn bán nhưng không đủ tiền nuôi con, thế nên chị đánh phun lửa...

Từ ngày quyết định rời bỏ người chồng bê tha, cờ bạc, chị Sen một mình chăm lo cho 2 cậu con trai nhỏ. Bươn chải buôn bán nhưng không đủ tiền nuôi con, thế nên chị đánh liều học phun lửa rồi đi biểu diễn mỗi đêm để kiếm tiền.

Đêm nào ở khu phố Tây cũng vậy, người phụ nữ tên Sen đi cùng 3 cậu nhóc nhỏ ngồi ở góc Đề Thám - Bùi Viện chờ các quán bia, quán bar nhộn nhịp khách. Khi khách đã ngồi kín chỗ từ trong ra ngoài, dân Tây đi dạo phố mỗi lúc một đông, thì người phụ nữ ấy bắt đầu ra giữa đường để diễn xiếc lửa.

Người phụ nữ đi cùng 2 cậu con trai và 1 đứa cháu nhỏ, đêm nào cũng biểu diễn xiếc lửa nóng bỏng vốn là hình ảnh quen thuộc với những ai hay lui tới khu phố Tây Bùi Viện.
Biểu diễn xiếc lửa rất nguy hiểm. Rất nhiều người biểu diễn do tránh không kịp mà bị lửa dính vào tóc, tay chân gây bỏng. Để tạo ra ngọn lửa, những người biểu diễn phải ngậm dầu hỏa vào miệng và phun vào cây mồi tẩm xăng đang cháy. Cũng vì thế mà đây là một công việc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người biểu diễn do phải tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại chất độc.


Cô vé số nhỏ tên Sen

Người mẹ chơi đùa với lửa mỗi đêm ở Bùi Viện để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.


Bà Cúc (mẹ của chị Sen) có hai người con gái, con gái lớn bà đặt tên là Hoa (SN 1980), con gái út bà đặt là Sen (SN 1984), tên đẹp và bình dị là thế nhưng cuộc đời của chị em họ chẳng có nổi một ngày bình yên.

Tuổi thơ của chị sớm trải qua những ngày khó khăn.
Từ ngày có chồng cuộc sống của chị lại thêm vất vả.


Năm lên 10 tuổi, cha chị Sen qua đời, bà Cúc dẫn con vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Ba mẹ con sáng đi bán, tối về khu tập thể của dân tứ xứ ngủ. Gọi là ngủ nhưng thật ra chỉ là ngả lưng đôi chút vì với giá 2.000 đồng/đêm thì chẳng dễ chịu gì trong căn phòng chật chội, nồng nặc mùi con người.

Chị Sen cũng được gửi đi học ở trường tình thương, nhưng được một năm rồi nghỉ vì cuộc sống của ba mẹ con mỗi lúc một khó khăn. Năm 2003, chị quen một người đàn ông đánh giày ở Tân Bình, họ yêu nhau và đến với nhau nhưng ai cũng nghèo nên chẳng có lễ cưới rình rang. Chỉ mong có thể chia sẻ cho nhau những vất vả của cuộc đời.

Thế nhưng anh mỗi ngày một bê tha. Làm được bao nhiêu là đốt hết vào lô đề, cờ bạc bấy nhiêu. Chị kể mà mắt buồn thiu: "Mang bầu nhưng chị vẫn phải vừa đi bán vé số vừa đi đánh giày để kiếm thêm. Vậy mà làm được bao nhiêu là chồng chị lấy hết bấy nhiêu. Không đưa thì anh đánh. Ngày chuyển dạ, vét hết trong túi chỉ còn 500 ngàn, không đủ đi bệnh viện. Chồng chị thì bỏ đi đánh bài nên mẹ và chị gái phải bán ti vi, đầu máy để có tiền đưa chị vào viện sinh con".

Người chồng bê tha không hề quan tâm đến chị và các con.


Những tưởng có con rồi anh sẽ biết chăm lo cho gia đình. Nhưng ngựa quen đường cũ, đến khi chị Sen mang thai lần thứ 2, người chồng vẫn chứng nào tật nấy, vô tâm hời hợt. Cuộc sống ngày một bức bách, cuối cùng chị Sen quyết định chia tay chồng và đưa hai con ra ở riêng, dẫu biết sẽ có rất nhiều khó khăn đang đợi ba mẹ con ở phía trước.

"Nếu cứ mãi nhu nhược, thì chỉ càng khổ cho bản thân và các con. Vậy thì cớ sao không chọn con đường riêng cho mình" - chị cười nghe tê tái.

Các con của chị Sen đều sáng dạ, nên vẫn thường nhận được giấy khen của nhà trường.


Nhai than, nuốt lưỡi lam - nguy hiểm mấy cũng làm, chỉ mong con no ấm

Những ngày đầu ra riêng, chị Sen quần quật đi bán hàng rong từ sáng tới tối mịt nhưng chật vật lắm mới lo cho các con có bữa no. Nghe người ta nói nghề diễn xiếc dạo thu nhập khá hơn, chị mua xăng về tự tập phun lửa. Chị bảo: "Người ta làm được thì mình làm được".

Tập đâu được 2 ngày, miệng còn chi chít những vết sẹo chưa lành, người mẹ trẻ đã đánh liều đi diễn. Biểu diễn đường phố, nhưng hầu như địa bàn nào cũng có bảo kê, lớ ngớ vào nhầm nơi có chủ là bầm người. Thế nên chị Sen chỉ có thể diễn ở khu phố Tây Bùi Viện và khu bờ kè vì ở đây là địa bàn tự do.

Chị cười bảo vết thương ngoài da còn băng bó được chứ trong miệng thì biết làm sao. Sót lắm, ăn chẳng nổi chén cơm, nhưng đêm nào cũng phải diễn, cũng bán mình cho lửa, chỉ mong cho con được bữa no.

2 cậu con trai của chị Sen chuẩn bị đồ nghề để theo mẹ đi diễn.
Cả nhà đi xe ôm ra Bùi Viện để mưu sinh.


Bắt đầu từ 20h tối, chị đi khắp các quán ở Bùi Viện để biểu diễn cho khách xem. Trò diễn chính là phun lửa, nuốt lửa và nhai lưỡi lam. Nhưng nếu khách yêu cầu thì chị cũng có thể biểu diễn nuốt rắn, miễn điều đó đem lại niềm vui cho khách và nguồn thu nhập cho mẹ con chị.

Những ngày đầu mới tập tành đi diễn xiếc lửa ngoài đường phố, đêm nào miệng chị Sen cũng chi chít những vết thương. Đau nhưng chẳng biết làm sao, đành uống nước lọc cho máu trôi đi.

Chị Sen nhai lưỡi lam.

Đêm nào diễn chị cũng sơ suất nuốt phải vài ngụm xăng vào bụng, hay lắm lúc gió tạt khiến lửa táp vào mặt nóng ran

Hai cậu con trai của chị Sen là Minh Hoàng (10 tuổi) và Minh Thành (9 tuổi) vẫn thường theo chân mẹ trong mỗi đêm diễn. Minh Hoàng thì đi bán kẹo để kiếm thêm tiền, còn Minh Thành thì ngồi giữ đồ nghề cho mẹ. Đến khoảng 11h thì hai anh em theo bà ngoại về phòng trọ ngủ để sáng mai đi học. Còn chị Sen vẫn tiếp tục ở lại làm đến 1h - 2h sáng, hôm nào đông khách thì ráng thêm tới 3h sáng rồi mới đi bộ về nhà.

6h30 sáng, chị dậy chuẩn bị cho tụi nhóc đi học, rồi về chuẩn bị cơm nước. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị lúc này là tụi nhỏ được đến trường học hành bài bản, dù chỉ là trường tình thương. "Hai đứa đều học giỏi lắm, năm nào cũng nhận được giấy khen của nhà trường" - chị nâng niu những tờ giấy khen rồi khoe với tôi.

Hơn ai hết, chị Sen biết rằng công việc mà mình đang làm hằng ngày rất độc hại và nguy hiểm. Đêm nào diễn chị cũng sơ suất nuốt phải vài ngụm xăng vào bụng, hay lắm lúc gió tạt khiến lửa táp vào mặt nóng ran, rồi có lần khách yêu cầu chị nuốt lưỡi lam vào bụng, chị cũng gật đầu. Người ta bảo sao dại vậy, nuốt vào rách bao tử thì sao, chị cười không nói gì. Đơn giản đó là nguồn sống duy nhất của ba mẹ con. Thử hỏi rách bao tử có đau bằng nhìn con mình đói khát?

Bất chấp mọi nguy hiểm chị Sen chỉ mong các con có một cuộc sống tốt hơn.


Tụi thằng Hoàng, thằng Thành còn bé lắm, chúng chẳng thể nào thấu hiểu hết những đắng cay tủi nhục mà mẹ nó đang trải qua. Chỉ thấy mẹ nó mỗi ngày một tiều tuỵ. Chị Sen chẳng mong các con thấu hiểu để đáp đền cho mẹ, chỉ mong mai mốt tụi nó có cái nghề tử tế mà làm, đừng nghèo như mẹ nó, đừng theo cái nghề này.

Cậu con trai nhỏ luôn dõi theo từng màn diễn khổ cực, nguy hiểm của mẹ nó.


Chị đứng dậy cầm hộp đồ nghề và nói: "Thôi đi làm kiếm cơm", tôi nhìn theo dáng người nhỏ bé dần dần khuất trong đám người ồn ào cuối phố. Ừ, nước mắt thì chảy xuôi.

Tin nổi bật