Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người lao động xuyên đêm đốt lửa, chống chọi với giá lạnh "thấu xương" để mưu sinh

  • Thục Hiền
(DS&PL) -

Đêm 22/1, nhiệt độ Hà Nội giảm sâu chỉ còn 8 độ C, nhiều người lao động phải đốt lửa sưởi ấm, chăng bạt, quây kín bằng bìa carton để chống chọi với cái lạnh "cắt da cắt thịt".

Tối 22/1, Hà Nội chìm trong gió rét, lạnh tê tái. Cái lạnh ''cắt da, cắt thịt'' khiến cuộc sống mưu sinh của những người lao động ngoài đường phố giữa đêm khuya càng vất vả hơn.

Khoảng 23h, nền nhiệt ngoài trời ở mức 8 độ C. Trên nhiều con đường, góc phố Thủ đô, những người bán cây cảnh, những xe chở hàng, các chị lao công... vẫn miệt mài với công việc của mình.

Dọc đường Lạc Long Quân là nơi tập trung nhiều người buôn bán cây cảnh, đào, quất thời vụ. Ngồi bên đống lửa để sưởi ấm, anh Trần Văn Hiếu (quê Vĩnh Phúc), tiểu thương bán cây cảnh dịp Tết trên đường Lạc Long Quân chia sẻ, dù đã quen với cảnh “màn trời, chiếu đất” nhưng cái lạnh vẫn là nỗi khiếp sợ đối với những người buôn bán phải trông cây đêm như anh. “Mấy ngày trước Hà Nội vẫn còn nắng ấm, hôm nay bất chợt chuyển lạnh khiến tôi chưa kịp thích nghi. Để giữ ấm tôi đành nhóm lửa sưởi, mang thêm chăn, áo ấm để có giấc ngủ tạm qua đêm”, anh Hiếu nói.

Đêm 22/1, gió mạnh, người bán cây phải chăng bạt, be bịt kỹ càng để bảo vệ cây không rụng hoa, gãy cành.

 Anh Hiếu cho biết thêm, năm nào cũng vậy, anh sợ nhất vẫn là những trận mưa kèm rét sâu, khách ngại ra đường nên cây cảnh tiêu thụ chậm hơn.

Đối với những người buôn cây cảnh Tết, họ phải ăn ngủ ngay trên vỉa hè để trông hàng. Những trận mưa, gió lạnh khiến mỗi đêm trở nên dài và cực nhọc hơn.

Chỉ còn hơn 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn miền Bắc đang trải qua đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, tại khu vực Hà Nội trời rét đậm, rét hại, có nơi mưa phùn. Nhiệt độ về đêm xuống thấp khiến những người kinh doanh mặt hàng Tết gặp khó khăn, đặc biệt là những người bán cây cảnh xuyên đêm dịp cận tết Nguyên đán 2024.

Nhiệt độ càng về đêm giảm sâu khiến các tiểu thương buôn bán đào quất phải đốt lửa sưởi ấm đợi trời sáng phục vụ người dân mua sắm Tết.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8 - 10 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3 - 6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9 - 11 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13 - 16 độ C. Với người bán hàng đêm họ phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết.

Lều bạt được dựng giữa gian hàng để dễ dàng trông coi.

Những công nhân vệ sinh môi trường vẫn lặng lẽ làm công việc thường ngày của mình trong mọi ngõ ngách của Hà Nội.

Trên đường Tràng Thi, chị Phương Hà (48 tuổi, quê Hà Nam) chỉ mặc bộ quần áo vừa vặn không quá dày để làm công việc của mình được linh hoạt. “Tôi làm công việc này được 10 năm, một buổi làm việc của tôi bắt đầu từ 17h đến 2h sáng hôm sau. Những ngày nắng ấm còn đỡ, chứ như hôm nay cực lắm, bởi thời điểm làm việc chính là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Nhiều khi nghĩ cũng hơi chạnh lòng khi thời gian này mọi người đang sum vầy với gia đình hay có một giấc ngủ ngon, nhưng vì “cơm áo, gạo tiền” nên phải chấp nhận", chị Hà chia sẻ.

Đi quanh các con phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những người lao động tự do làm đủ các nghề khác nhau vẫn miệt mài trong cái lạnh thấu xương để mưu sinh.

Trời lạnh, người dân hạn chế ra đường, việc buôn bán ế ẩm. Nhiều người lao động chia sẻ, dù biết sẽ vắng khách nhưng ở nhà không có tiền, mất mối khách nên đành cố gắng, được đồng nào hay đồng đó.

Người đàn ông cao tuổi làm nghề bơm, vá xe ngồi co ro trên vỉa hè cùng quầy hàng của mình. Trời đã về khuya, nhưng ông vẫn cố chờ thêm vài phút với hy vọng sẽ có khách.

Thời tiết lạnh giá, nhiều người lao động trong đêm đốt thêm lửa để giữ ấm cơ thể.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người nhà bệnh nhân trong khu vực Trung tâm Cấp cứu và Đột qụy nằm co ro dưới nền nhà, ghế đá hay quanh các lối đi của bệnh viện để trông người nhà.

Tại đây, các bệnh nhân ở Trung tâm Cấp cứu được điều trị, theo dõi đặc biệt nên người nhà phải túc trực 24/24 ở bên ngoài. Chỗ ngủ tạm nằm giữa hai khối nhà, gió thổi hun hút khiến cái rét càng trở nên tê tái.

Tại khu vực này, Bệnh viện Bạch Mai đã dựng máy sưởi để hỗ trợ người nhà bệnh nhân.

Nằm co ro ở hành lang, một người đàn ông cho biết đã ở Bệnh viện Bạch Mai 3 ngày nay để trông người thân. Đúng vào dịp rét nên không đêm nào anh ngủ được. Để tránh rét, người này phải lượm nhặt từng thùng bìa carton, xếp kín hai hàng ghế đá để tạm nghỉ.

Ở TP.Thanh Hoá những đêm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, trên các con phố của TP. Thanh Hóa như: đường Lê Hoàn, phố Bào Ngoại, đường Nguyễn Trãi, đường Trịnh Kiểm… các tiểu thương buôn bán đào quất luôn phải túc trực xuyên đêm để canh hoa tết

Đặc biệt, đêm 22 và rạng sáng 23/1, thời tiết tại Thanh Hóa có mưa lạnh khiến những người buôn đào quất càng vất vả hơn. Ông Đoàn Văn Đức (một tiểu thương buôn bán quất trên đường Trịnh Kiểm, TP. Thanh Hóa) cho biết, đã 10 năm nay, cứ đến giáp Tết Nguyên đán là ông lại nhập quất về bán, với mong muốn kiếm thêm thu nhập, lo cái Tết đủ đầy cho gia đình. “Buôn đào quất vất vả lắm, trời mưa gió, lạnh giá, thức xuyên đêm chỉ mong bán được giá và hết hàng” - ông Đực chia sẻ. 

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đợt rét đậm, rét hại này kéo dài đến 25/1, đồng bằng Bắc Bộ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024.

Ảnh: Sức khoẻ & đời sống, Lao Động, VTC News

Thục Hiền (T/h)

Tin nổi bật