Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người Hàn Quốc học cách “săn” quan tham

(DS&PL) -

Đạo luật mới đảm bảo khen thưởng hậu hĩnh cho người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng của các quan chức...

Đạo luật mới đảm bảo khen thưởng hậu hĩnh cho người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng của các quan chức, nhân viên chính phủ đã khiến người dân Hàn Quốc đổ xô đến các lớp học kỹ năng làm paparazzi (thợ săn ảnh).

Tại Hàn Quốc, thuật ngữ "paparazzi" không chỉ đề cập tới các nhiếp ảnh gia theo chân người nổi tiếng mà dành cho cả các cá nhân nhận được tiền thưởng khi tố cáo các hành vi phạm luật như vượt đèn đỏ, vứt thuốc lá trên đường...

Luật chống tham nhũng Kim Young - ran (được đặt tên theo người đề xuất luật này) đã sinh ra thuật ngữ "ran - parazzi" - người chỉ điểm quan tham tại Hàn Quốc. Tiền thưởng cho "ran - parazzi" có thể lên tới 200 triệu won (khoảng 3,9 tỷ đồng).

Ông Moon Seoung - ok trong một buổi lên lớp.

Kể từ khi đạo luật Kim Young - ran có hiệu lực vào ngày 28/9, các lịch đặt trước tại sân golf đột nhiên chững lại, các đám cưới vắng khách hơn. Tuy nhiên, số người đến các trường học paparazzi đã tăng gấp 3 lần.

Có khoảng 15 người trong một lớp ở trường học dành cho "ran - parazzi" ở Seocho, phía Bắc Seoul. Hầu hết học viên đều ở trong độ tuổi 40 và 50. Quản lý trường học, ông Moon Seoung - ok (70 tuổi) chia sẻ với học viên: “Trong cùng một lúc, các bạn vừa có thể làm giàu, vừa thực hiện được vai trò của người yêu nước”. Ông Moon chuyển cho các học viên tài liệu về đạo luật Kim Young - ran và nói: “Bạn có thể nhặt hóa đơn từ thùng rác của các nhà hàng. Bạn cần thu được bằng chứng”.

Tại một đám cưới ở khu vực thượng lưu Gangnam, thủ đô Seoul, "ran - parazzi" Song Byung - soo (60 tuổi) đang theo dõi chặt chẽ, tìm kiếm các quan chức có khả năng vi phạm luật. Ông Song Byung - soo chia sẻ: “Tôi từng ngập ngừng bởi nghĩ rằng mình có thể gây tổn thương cho ai đó khi làm việc này. Nhưng sau khi được đào tạo, tôi nghĩ nó là điều bình thường bởi nếu “ran - parazzi” có thể khiến xã hội chúng ta trong sạch hơn thì sau tất cả đây là điều tốt”.

Đạo luật Kim Young - ran quy định mức giá trần cho bữa ăn tại nhà hàng của các quan chức và công chức nhà nước là 30.000 won (gần 600.000 đồng). Giá trị quà được gói gọn trong mức 50.000 won, trong khi phong bì tại các đám cưới và lễ tang bị hạn chế ở mức 100.000 won.

Những người vi phạm có thể sẽ bị phạt hành chính nhưng họ cũng đối mặt với nguy cơ bị truy tố nếu phạm tội nghiêm trọng hơn như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won hoặc nhận hơn 3 triệu won tiền quà trong một năm.

Ông Moon tiếp tục truyền bí quyết cho học viên: “Bạn phải nghiên cứu về đối tượng mà mình nhắm tới. Kiểm tra cáo phó trên báo chí để tìm xem nhân vật cấp cao nào sắp tổ chức lễ tang. Sau khi đã nhớ tên tuổi, chức vụ của các quan chức thì bạn cần theo họ đến các địa điểm ăn uống. Hãy ngồi đối diện mục tiêu tại nhà hàng, có thể ghi âm hội thoại của họ. Sau đó bạn có thể tìm hiểu danh tính đối tác của họ bằng cách theo đuôi người đó”.

Mặc dù trường của ông Moon không thu học phí đào tạo với "ran - parazzi" nhưng lại kiếm lời từ việc bán cho học viên các thiết bị như bút và mắt kính có trang bị camera bí mật.

Một quan chức thuộc Ủy ban Quyền công dân và chống tham nhũng (ACRE) của chính phủ Hàn Quốc cho biết công dân tố giác quan chức vi phạm cần đưa ra những bằng chứng chi tiết. Chỉ đơn giản bắt quả tang việc một người ăn bữa trưa 30.000 won không đảm bảo được thưởng tiền bởi theo ACRE, rất khó để nhận ra mối quan hệ giữa những người trên bàn ăn đó.

Theo đạo luật Kim Young - ran, tiền thưởng chỉ được trao khi người chỉ điểm chứng minh rằng thông tin có liên quan tới lợi dụng tiền bạc của chính phủ hoặc ngăn chặn được các thiệt hại tiềm tàng. Hơn nữa, để nhận được tiền thưởng, "ran - parazzi" phải đợi quy trình kiểm chứng thông tin có thể mất vài năm. Nếu tính đến số tiền bỏ ra để mua camera và nếu tài chính cá nhân không ổn định thì để hưởng thành quả từ việc bắt quan tham, các "ran - parazzi" cũng phải mướt mồ hôi.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2015, Hàn Quốc đứng thứ 27 trong 34 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về mức độ tham nhũng.

Hà Linh
Nguồn: TTXVN

Video tin tức được xem nhiều:

[mecloud]mjfKiPU2Rx[/mecloud]

Tin nổi bật