Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người giúp việc bạo hành bé gái đối mặt với hình phạt nào?

(DS&PL) -

Người giúp việc có hành động bạo hành với bé gái tại Phủ Lý, Hà Nam đối diện với hàng loạt tội danh, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người giúp việc có hành động bạo hành với bé gái tại Phủ Lý, Hà Nam đối mặt với hàng loạt tội danh, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trước đó, tối 22/11, tài khoản facebook N.P bất ngờ đăng tải đoạn clip gần 2 phút về việc con gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành dã man.

Quan sát trong đoạn clip cho thấy, người giúp việc của gia đình chị N.P dùng tay bóp miệng, tát vào mặt, đầu bé gái. Thậm chí, người phụ nữ này còn liên tục tung đứa trẻ lên cao, mặc cho đứa trẻ khóc thét. 

Trung tá Lê Đức Tùng - Trưởng Công an TP Phủ Lý xác nhận đã mời phụ nữ bị tố cáo bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi lên để làm việc. Trung tá Tùng cho biết, đơn vị đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra các nội dung liên quan đến vụ việc, thông tin cụ thể sẽ cung cấp trong thời gian sớm nhất.

Người phụ nữ có hành vi bạo hành với bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi. Ảnh cắt từ clip.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Trần Văn Tư - Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, người phụ nữ có hành vi bạo hành trẻ nhỏ có thể phải chịu trách nhiệm với hàng loạt tội danh. 

"Nếu cơ quan công an xác minh bảo mẫu có hành vi bạo hành bé như clip thì theo luật định, người này có thể bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự về “Tội hành hạ người khác”.

Đối với hành vi trong clip, bảo mẫu có thể bị “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng” về tội “xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em” theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em." - Luật sư Tư cho biết.

Theo luật sư Tư, người giúp việc còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo điều 110 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.

"Theo thông tin của mẹ cháu bé, hành vi của người giúp việc đã được thực hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian chứ không phải là lần đầu. Giữa người giúp việc và cháu bé có mối quan hệ lệ thuộc bởi "bảo mẫu" là người được bố mẹ thuê cho cháu bé ăn uống, trông nom và đặc biệt là cháu mới chưa đầy hai tháng tuổi không thể phản kháng hay nói ra được.

Đối với tội hành hạ người khác không bắt buộc phải có hậu quả là gây thương tích cho nạn nhân. Do vậy, trong trường hợp này cho dù không gây thương tích cho cháu bé thì người bảo mẫu vẫn có thể bị xử lý hình sự như đã nêu trên." - Luật sư Tư thông tin thêm.

Chân dung người bảo mẫu. Ảnh: Internet.

Liên quan đến vụ việc, Chuyên gia tư vấn luật Trần Thị Hậu, công ty Luật Hợp danh FDVN cho biết, qua đoạn video mà gia đình chị N.P cung cấp đến cơ quan chức năng có thể thấy rõ: Người phụ nữ trong video đã liên tiếp có những hành vi xâm hại nghiêm trọng, tàn nhẫn đến thân thể, sức khỏe của bé gái mới chỉ hơn 01 tháng tuổi là con của gia đình chị.

"Các hành động trong video như bóp miệng, tát mạnh vào mặt, đầu bé gái là hành vi bạo lực, hành hạ đáng lên án. Đây là một trong các hành vi bạo lực trẻ em bị nghiêm cấm tuyệt đối theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016." - Chuyên gia tư vấn luật Trần Thị Hậu nhận định.

Chuyên gia tư vấn luật Trần Thị Hậu cho biết thêm, nếu quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định hành vi của người phụ nữa trong đoạn video có đủ yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xem xét, truy tố theo một trong các tội dưới đây quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009):

Điều 110. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.

Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc!

Thanh Phong


Tin nổi bật