Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người giữ ký ức Hà thành cổ kính qua ngọn lửa nghề kim hoàn thủ công trên phố Hàng Bạc

(DS&PL) -

Đối lập với hình ảnh tấp nập và nhộn nhịp của phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa hàng của ông Nguyễn Chí Thành (71 tuổi) mang vẻ xưa cũ của một Hà Nội cổ.

Đối lập với hình ảnh tấp nập và nhộn nhịp của phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa hàng của ông Nguyễn Chí Thành (71 tuổi) mang vẻ xưa cũ của một Hà Nội cổ kính. Ông là một trong ít người thợ thủ công còn kiên trì “bám trụ” với nghề kim hoàn thủ công trên phố Hàng Bạc.

Cửa hàng của ông Nguyễn Chí Thành. 

Những hoài niệm của người giữ lại một thời xa vắng

Bước chân đến phố Hàng Bạc, chúng tôi không khỏi choáng ngợp với sự sầm uất của các cửa hàng buôn bán vàng bạc. Con phố chỉ dài khoảng 500m nhưng có tới hàng trăm cửa hàng bán vàng, bạc với nhiều mẫu mã khác nhau. Thế nhưng, điều làm chúng tôi bất ngờ nhất đó cửa hiệu nhỏ sâu hun hút của ông Thành vẫn ngày ngày chế tác trang sức thủ công.

Tiếng mài kim loại xen với tiếng búa hòa với tiếng nhạc xưa cùng những vật dụng nhuộm màu thời gian tạo nên vẻ đẹp “cũ kỹ” gợi nhớ về một Hà Nội xưa. Và nếu có dịp đi qua số 83 Hàng Bạc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người thợ già vẫn miệt mài chạm bạc bên chiếc bàn đã cũ dưới ánh đèn vàng.

Chúng tôi ghé thăm cửa hàng của ông Thành vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Đại dịch ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình kinh doanh, buôn bán, trong đó có cả cửa hàng của ông Thành. Vốn dĩ ngày thường đã vắng vẻ hơn các cửa hàng khác do nghề kim hoàn thủ công “kén” khách, nay khó khăn lại chồng chất khó khăn khi dịch bệnh kéo dài. Thấy có khách, ông Thành nghỉ tay, nở nụ cười đôn hậu chào đón. Ông tâm sự: “Từ ngày có dịch Covid-19 đến giờ, khách đến cửa hàng chẳng có mấy. Thêm nữa, do giá vàng tăng nên nhu cầu làm đồ trang sức của khách càng giảm mạnh. Thu nhập của tôi từ đầu năm đến giờ cũng bấp bênh theo”.

Trong ký ức của ông Thành, phố Hàng Bạc xưa đông đúc, tấp nập, người người, nhà nhà làm nghề kim hoàn. Những đứa trẻ xưa ở đây lớn lên cùng lò đúc bạc, đúc vàng, cùng những chiếc kìm, chiếc kéo... Tiếng búa gõ đều đều hàng sáng trở thành “chiếc đồng hồ báo thức” cho lũ trẻ trên phố, bắt đầu một ngày mới.

Giờ đây, phố Hàng Bạc vẫn đông đúc và náo nhiệt như xưa nhưng là cái náo nhiệt của thời đại buôn bán, của những ánh đèn sáng choang chứ không phải náo nhiệt bởi tiếng đe, ánh lửa lò đúc.

Chứng kiến sự thay đổi của phố Hàng Bạc, ông Thành không khỏi chạnh lòng: “Chuyện nghề kim hoàn mai một cũng là điều dễ hiểu, ngày nay nhiều khuôn mẫu đẹp, nhanh, tiện hơn. Chứ làm thủ công như chúng tôi, mẫu mã có hạn, thời gian lại lâu hơn. Đồng tiền lãi so với công sức bỏ ra làm một sản phẩm chẳng đáng là bao. Bởi vậy, nhiều gia đình phải từ bỏ nghề gia truyền để duy trì cuộc sống mưu sinh”.

Trọn đời sống với nghề và hy vọng về sự tiếp nối

Ông Thành sinh ra trong gia đình có nghề làm thợ hoàn kim ở làng Định Công. Sau đó, gia đình ông chuyển ra phố Hàng Bạc để kinh doanh và làm nghề. Ông vẫn hay nói đùa “học nghề từ trong bụng mẹ” khi nghe tiếng mài dũa từ người cha hàng ngày. Sống trong “nhà nghề” nên cái nghề vận vào người lúc nào không hay.

Được tiếp xúc với nghề từ hồi 9-10 tuổi, thấy nhà có sẵn đồ nghề, ông ngồi nghịch rồi làm theo những mẫu đơn giản, đến giờ ông Thành được coi là thợ “lão luyện”. Theo chia sẻ của ông Thành, những sản phẩm thủ công mất rất nhiều thời gian. Những sản phẩm đơn giản tính thời gian từ lúc nhận mẫu đến hoàn thiện xong cũng mất khoảng 1 ngày, có những sản phẩm phức tạp phải mất đến 2-3 ngày mới xong. Để giữ được chất lượng sản phẩm luôn tốt, ông Thành hầu như chỉ nhận đơn của khách lẻ và không cần gấp. Bởi, theo lời ông Thành: “Làm nghề này nhanh là hỏng, mà muốn nhanh cũng không được vì không thể “ăn bớt” công đoạn nào được. Người thợ cần phải kiên trì thì sản phẩm mình làm ra mới có giá trị thẩm mỹ cao”.

Trên chiếc bàn nhỏ cũ kỹ có góc bị mòn, mọt của người thợ kim hoàn chỉ có vài vật dụng đơn giản nhưng lại không thể thiếu. Những vật dụng này đều đã nhuốm màu thời gian. Tất cả chúng đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là đôi tay khéo léo của người thợ. Đôi tay phải tỉ mẩn, cẩn trọng với từng chi tiết nhỏ trên sản phẩm, hoàn hảo đến từng đừng nét nhỏ nhất.

Quá trình làm ra một sản phẩm thường có những công đoạn chung như nung cho bạc chảy ra, sau đó dùng búa đập dẹt, tán thành thanh mỏng, uốn vòng, khắc họa tiết... tùy vào sản phẩm mà từng công đoạn có sự thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn đó đều được thực hiện bằng tay.

Không chỉ cần một đôi tay khéo, người thợ kim hoàn cần có cái đầu tính toán, cân đo đong đếm làm sao cho đủ lượng vàng, lượng bạc cần làm, không nhiều cũng không được quá ít. “Cái hay của làm thủ công là mẫu mã do mình lựa chọn. Có những đồ trang sức đã cũ, mang đến đây tôi có thể chế tác, phục chế lại được hết. Động lực để tôi theo nghề là nụ cười hài lòng của khách. Tôi thấy hạnh phúc khi người ta đến lấy đồ, tươi cười ưng ý, làm tôi cũng vui theo”, ông Thành cho hay.

Mặc dù, tuổi cao sức yếu nhưng ông Thành vẫn quyết “bám trụ” với nghề. Ông nghĩ rằng: “Đây là nghề gia truyền của dòng họ, dù thế nào ông cũng muốn sống trọn vẹn với nó”. Ngày trước ông mở cửa hàng tới 10h tối, nhưng giờ do có tuổi nên chỉ 6h ông đã đóng cửa nghỉ ngơi.

May mắn, con cháu ông cũng có người theo nghề. Hiện tại, con trai ông vẫn tiếp tục phát triển nghề kim hoàn thủ công còn cháu trai theo phụ ông ở cửa hàng. Có thể nói, đây là “tia sáng le lói” để nghề hoàn kim không bị mai một.

Xã hội thay đổi, cuốn theo những nghề truyền thống cũng đổi thay và không ít nghề dần mai một. Tuy nhiên, ông Thành vẫn luôn vững một niềm tin các thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, gìn giữ một nghề xưa của Hà thành.

Rời khỏi cửa hàng của ông Thành, dảo bước trên con phố, chúng tôi tin rằng, sau này, mỗi lần ghé ngang qua đây vẫn còn hình ảnh người thợ kim hoàn bên chiếc bàn gỗ, vẫn còn được nghe đâu đó tiếng đe, tiếng búa vọng ra từ cửa hàng số 83 Hàng Bạc.

Phong Linh - Lê Nga

Bài viết đang trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 154

Tin nổi bật