Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dát mỏng 1 lạng vàng thành 500 chiếc lá

(DS&PL) -

Ngược dòng lịch sử làng nghề, chúng tôi tìm đến ông Lê Hữu Hoằng - nghệ nhân dát vàng bạc nổi tiếng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề.

Ngày nay, chúng ta thường nhìn thấy những bức tượng được thếp vàng kỳ vĩ hay những bức hoành phi, câu đối uy nghi lấp lánh màu vàng, bạc. Nhưng ít ai biết đằng sau những công trình mang đậm yếu tố tâm linh, văn hóa, lịch sử đó là bàn tay, khối óc của những nghệ nhân làng Kiêu Kỵ. Ngược dòng lịch sử làng nghề, chúng tôi tìm đến ông Lê Hữu Hoằng - nghệ nhân dát vàng bạc nổi tiếng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề.

Nghề chọn người

Bước chân đến đầu làng Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) - ngôi làng độc đáo có hơn 400 năm nổi tiếng về nghề truyền thống dát vàng, bạc quỳ - chúng tôi đã nghe tiếng búa đập quỳ khắp các con ngõ nhỏ. Tiếng búa lúc to, lúc nhỏ tạo thành âm thanh đặc trưng chỉ nơi đây mới có.

Tìm đến nhà nghệ nhân Lê Hữu Hoằng (SN 1967), chúng tôi được nghe kể về câu chuyện 30 năm gắn bó với nghề truyền thống của người nghệ nhân xuất phát từ binh nghiệp. Ông Hoằng cho biết, cơ duyên gắn với nghề đã vận vào thân nên không tránh được.

“Năm 1986, khi vừa bước vào tuổi 19, tôi quyết định lên đường nhập ngũ. Hồi ấy, tôi đóng quân 3 năm tại trung đoàn 12, sư đoàn 3, quân đoàn 14, tỉnh Lạng Sơn. Cứ tưởng rằng sẽ không theo nghề bố mẹ nữa, nhưng sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, nhớ nghề, cuồng tay chân, hơn nữa là vẫn muốn giữ được nghề truyền thống của cha ông, tôi quyết định học hỏi thêm, tìm tòi phát triển nghề dát vàng, đá quỳ”, ông Hoằng chia sẻ.

Được biết từ lúc 15, 16 tuổi, ông Lê Hữu Hoằng đã được chứng kiến mẹ ông làm việc vất vả nên đã bắt tay phụ giúp gia đình công việc dát vàng, bạc, cũng từ đó ông đã biết đến nghề. Sau khi xuất ngũ, ông Hoằng tiếp tục cần mẫn học hỏi các bô lão trong làng, rèn luyện thêm kinh nghiệm để theo đuổi nghề. Lúc đó, ông mong muốn được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Kiêu Kỵ, đồng thời phát triển nghề truyền thống do cha ông để lại.

“Giữ lửa” cho nghề truyền thống

Được biết, ngày trước nghề dát vàng, bạc quỳ trước đây phải trải qua 40 công đoạn, nhưng giờ chỉ còn hơn 20 công đoạn. Những chỉ vàng nguyên khối được nấu chảy, người thợ đổ vào khuôn tráng thành phiến mỏng, đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp), cắt thành những hình vuông nhỏ rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ làm từ giấy dó được quét dung dịch keo da trâu trộn bồ hóng nên dù mỏng nhưng rất dai. Mỗi quỳ có 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng, bạc nhỏ khoảng hơn 1cm, dùng vải gói lại đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng để đập quỳ.

Tâm ông luôn đau đáu được truyền lại nghề cho thế hệ sau này.

Đồng hành cùng ông Hoằng là chiếc búa khoảng 3kg nặng trĩu tay đã theo ông suốt hơn 30 năm làm nghề dát vàng, bạc quỳ. Người bình thường tay yếu thì phải dùng 2 tay để cầm búa, nhưng với ông Hoằng thì nó trở nên nhẹ bẫng khi dùng 1 tay nâng lên đập quỳ. Cùng với đó, tảng đá hơn 100 năm tuổi dựng vững chãi nơi ông làm cũng là người bạn không thể thiếu trong suốt lúc đập quỳ.

“Công đoạn đập quỳ là giai đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận. Tùy theo tay của nghệ nhân mà 1 lạng vàng hoặc bạc có thể đập được 60 quỳ, mỗi quỳ được khoảng gần 500 lá quỳ”, ông Hoằng chia sẻ bí quyết.

Người nghệ nhân cũng lưu ý, thợ đập muốn đập lên tập lá quỳ phải đập búa đều tay, đập mạnh quá lá quỳ sẽ bị nát, còn nhẹ thì không ra lá quỳ. Thợ đập quỳ đập phải làm sao cho mảnh vàng, bạc mỏng và trần bằng lá quỳ. Nếu người thợ mới làm, chưa chắc tay, đập không cẩn thận công sức cầm búa vất vả coi như mất hết.

Công đoạn cắt vàng, bạc xếp vào quỳ cũng như gỡ vàng, bạc trả khách được thực hiện trong phòng kín gió, mùa hè phải bật điều hòa. Người thợ phải làm cẩn thận, nếu không lá quỳ dính chặt tay, chỉ cần vê tay nhẹ chúng sẽ biến thành vụn và sản phẩm bị hỏng. Nếu tay của người thợ ra mồ hôi, nhất là vào hè, họ phải dùng bột tàn hương hoặc tro làm khô tay trước khi gỡ các lá quỳ.

Công đoạn cuối cùng là thếp vàng. Miếng quỳ sẽ được phủ đều lên sản phẩm nếu không những lá quỳ mỏng sẽ bị gió thổi bay. Sau khi đã phủ kín bề mặt sản phẩm sẽ được người thợ dùng bút lông đánh bóng. Những vụn vàng, bạc sẽ bám chặt vào sản phẩm cần thếp và tạo sự kết dính.

Những năm gần đây, huyện Gia Lâm kết hợp với TP.Hà Nội mở lớp đào tạo và dạy nghề cho những người trong và ngoài huyện để giữ gìn và phát triển nghề dát vàng, bạc quỳ. Ông Lê Hữu Hoằng cũng là một trong những cựu chiến binh tham gia truyền lại nghề cho các thế hệ trẻ, những người trong và ngoài huyện. Ông mong muốn truyền lại niềm đam mê với nghề dát vàng, bạc quỳ cho các hệ sau gìn giữ và phát triển làng nghề dát vàng, bạc quỳ.

Không chỉ mẫu mực trong gia đình, là tấm gương để con cháu noi theo, ông Lê Hữu Hoằng còn thường xuyên giúp đỡ bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trong làng. Đáng chú ý, ông còn tạo một số công ăn việc làm cho người dân trong làng Kiêu Kỵ với mong muốn giúp đỡ họ vừa học được nghề dát vàng, bạc quỳ vừa có thêm thu nhập.

Nhật Hà – Di-Hân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (161)

Tin nổi bật