Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2023, tổng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, tiền gửi của dân cư tăng gần 8%, tương ứng gần 470.000 tỷ đồng. Khoản mục này đã tăng liên tục từ tháng 10 năm trước.
Người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, doanh nghiệp ưa rút ra. Ảnh: Giang Huy
Theo Vietnamnet, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều đáng chú ý nữa là, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tiền gửi của cư dân luôn cao hơn so với lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Điều này cho thấy gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang là lựa chọn an toàn hàng đầu với cư dân trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán không còn hấp dẫn như trước.
Tại buổi họp báo quý 2/2023 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, lượng tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa.
So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái.
Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có chiều hướng giảm dần đều. Tính đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi tại ngân hàng của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,65 triệu tỷ đồng, giảm 8.833 tỷ đồng (5,02%) so với cuối năm 2022. Trong khi đó, so với cuối tháng 3, tiền gửi của cư dân tăng thêm 52.028 tỷ đồng.
Theo VnExpress, tiền gửi của cư dân bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống từ cuối năm 2022 do sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm. Từ giữa năm 2022, lãi suất bắt đầu tăng nhanh. Lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng có lúc lên tới 11-12% khiến người dân tăng gửi tiền để hưởng ưu đãi.
Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có xu hướng đi ngang trong 1 năm gần đây trong khi các năm trước vẫn tăng trưởng đều đặn.
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP.HCM giải thích, thông thường các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng và vay tiền ngược lại để kinh doanh. Khi đó, mức lãi suất phải chịu chỉ bằng chênh lệch giữa lãi suất vay và huy động, đồng thời doanh nghiệp vẫn còn khoản tiền gửi để xử lý những tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, nửa cuối năm trước, "room" tín dụng hạn chế, lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể vay được từ ngân hàng, phải dùng tới khoản tiền gửi để xoay vòng vốn. Điều này khiến số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế liên tục giảm.
Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp khiến tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng chưa tới 2%, tương ứng hơn 240.000 tỷ đồng.
Vân Anh (T/h)