(ĐSPL) - Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa đón người dân và du khách tham quan các dấu tích khảo cổ học mới phát lộ và được khai quật trong thời gian gần đây vào dịp Tết Đinh Dậu.
Báo Đại đoàn kết đưa tin, từ ngày 20/1 đến 28/2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ mở cửa khu vực khảo cổ mới phát lộ năm 2016, nằm ở phía Bắc di tích Đoan Môn, để phục vụ khách tham quan.
Ngoài ra, Trung tâm còn trưng bày tư liệu về sân Đoan Môn; triển lãm “Triều phục Việt Nam” với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn; triển lãm tranh Tết truyền thống, ảnh di sản Việt Nam, cây cảnh nghệ thuật và hoa xuân…
Theo tin tức trên Dân trí, ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cho biết, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ phục vụ khách tham quan khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ với nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu như: dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng và thời Lý; dấu tích bó nền gạch, đường đi lát gạch; dấu tích kiến trúc thời Lý; hệ thống bó nền gạch, sân gạch vồ; dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích đường nước thời Lý… Đồng thời tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên trong tương lai.
Hố khảo cổ mới phát lộ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VnExpress |
Bên cạnh đó, từ ngày 20/1 đến 28/2/2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nhà sưu tầm, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Và trong những ngày đầu xuân, du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới.
Trước đó, tin trên VnExpress, theo kết quả khai quật của Viện Khảo cổ học công bố sáng 26/12/2016, các di tích phát lộ tại Hoàng Thành Thăng Long cho thấy nhiều tầng văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen nhau. Dấu tích kiến trúc thời Lý gồm đường nước lớn được xây bằng gạch vuông, gạch bìa và cọc gỗ chạy suốt chiều Đông - Tây, bề rộng 2 m, cao 2 m, cùng nhiều móng tường.
Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm những dải trang trí hoa chanh nằm trên móng tường thời Lý, hệ thống cống thoát nước, gạch bìa hình chữ nhật. Các dấu tích thời Lê còn sót lại trên nền gạch vuông và gạch vồ ở phía tây của hố khai quật. Các nền gạch này cũng từng xuất hiện từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn.
Thời Nguyễn còn để lại dấu ấn với những cống thoát nước, gồm 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.
Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trước đây đã có nhiều giả thiết khu vực khảo cổ là không gian của chính điện Thiên An thời Lý - Trần và chính điện Càn Nguyên thời Lý. Trong các hố đào năm 2011 mới phát hiện dấu tích móng trụ của nền điện Kinh Thiên, còn khu vực nền điện thì vẫn là bí ẩn.
Với lần khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện sân nền gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn lan rộng trên toàn bộ không gian lớn đến điện Kính Thiên. Ngoài ra, còn có cấu trúc móng "Ngự đạo" của thời Lê với nhiều mảnh gốm thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Phát lộ khảo cổ cũng cho thấy quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê Sơ ở bên dưới lớp gạch vồ.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý ở khu vực bắc Đoan Môn với đường nước lớn xây bằng gạch vuông. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành của móng tường thời Lý rộng 1,6 m. Đường nước rộng 2 m, cao 2 m, có cắm cọc gỗ để gia cố. Đây là đường nước khổng lồ xây bằng gạch chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.
Tổng hợp