(ĐSPL) – Nhóm nam giới người Indonesia đã mặc váy ngắn để phản đối đề nghị của một quan chức cấp cao chính phủ rằng phụ nữ không nên mặc váy lộ chân để tránh bị cưỡng hiếp.
Syaldi Sahude nhớ lại cách đây 8 năm, ông đã xem qua một nghiên cứu cho thấy có tới 85% phụ nữ Indonesia bị bạn trai/chồng đánh đập, cưỡng bức.
Ngạc nhiên, Sahude thảo luận về chủ đề này với bạn bè của mình để tìm lời giải thích cho tình trạng này và sau đó ông nhận ra nguyên nhân chính.
"Chúng ta có các quyền cho phụ nữ, các chương trình trợ giúp pháp lý và trợ giúp chấn thương cho những người sống sót nhưng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này nằm ở nam giới," ông Sahude, người đã làm việc tại các tổ chức nhân quyền của phụ nữ nói.
Nhiều cuộc thảo luận do những nhà hoạt động tình nguyện đã dẫn đến sự ra đời của nhóm hành động Aliansi Laki-laki Baru (Liên minh Những Người Đàn Ông Mới).
Nhiệm vụ chính của họ là dẫn đầu và kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ - thách thức một vấn đề tiềm ẩn sâu xa trong xã hội gia trưởng của Indonesia.
Bảo vệ quyền mặc váy
Thông qua các chiến dịch trực tuyến, các cuộc biểu tình công cộng, các cuộc thảo luận và tư vấn nhắm vào những người đàn ông, họ thách thức quan niệm sai lầm về nam tính và đề cập tới những chủ đề như bản chất tình dục, cưỡng hiếp và sự đồng thuận.
Các hoạt động này cũng được mở ra cho phụ nữ, nhưng mục tiêu chính của họ là nam giới và trẻ em trai, nhóm người mà các chiến dịch về quyền phụ nữ thường rất khó tiếp cận.
Những thành viên của nhóm hành động Laki-laki Baru mặc váy để chống nạn bạo lực đối với phụ nữ. |
Người đồng sáng lập 37 tuổi của nhóm cho biết: "Nhiều người đàn ông Indonesia vẫn nghĩ rằng phụ nữ không có quyền để nói với họ nên làm này kia, rằng phụ nữ vốn thấp kém hơn nam giới".
Bạo lực đối với phụ nữ đã trở thành vấn đề nổi cộm ở Indonesia năm nay sau khi xuất hiện băng đảng tàn bạo chuyên hiếp dâm và sát hại nữ sinh khiến chính phủ phải ban hành những hinh phạt khắc nghiệt hơn cho tội phạm tình dục bao gồm cả án tử hình và “thiến” hóa học.
Các nhà hoạt động trong nhóm cho biết các trường hợp bạo lực phụ đối với phụ nữ vẫn gia tăng cho dù rất khó thống kê con số cụ thể thực tế tại đất nước nằm ở Đông Nam Á có 250 triệu dân này.
Theo Ủy ban Quốc gia về Chống Bạo lực đối với phụ nữ, trong năm 2015, có 321.752 trường hợp bị bạo lực gia đình và tấn công tình dục - tăng gấp ba lần so với 105.103 vụ trong năm 2010.
Ủy ban này cho biết con số trên, được thống kê chủ yếu dựa trên các khiếu nại tại tòa án tôn giáo, chỉ là đỉnh của tảng băng trôi bởi còn nhiều phụ nữ thiếu hiểu biết hoặc quá sợ hãi để tố cáo rằng mình bị lạm dụng.
Một cuộc thăm dò trực tuyến trên toàn quốc trong tháng 7/2016 cho thấy 90% trường hợp bị hiếp dâm không bị tố cáo, các nhà hoạt động xã hội thì đổ lỗi cho sự kỳ thị thiếu thiện chí của các nhà chức trách đối với phụ nữ. Sahude cho biết chính sự kỳ thị nạn nhân bị lạm dụng tình dục là một trong những vấn đề mà nhóm của ông muốn giải quyết.
Một số đàn ông trong nhóm thậm chí đã mặc váy ngắn để phản đối đề nghị của một quan chức chính phủ cấp cao rằng phụ nữ không nên mặc váy ngắn trên phương tiện giao thông công cộng để tránh bị hãm hiếp.
Sahude chất vấn: "Thông thường phụ nữ bị đổ lỗi vì cách ăn mặc hay cư xử của họ. Vậy, chúng tôi lập luận rằng, nếu nói đó là vấn đề của cái váy thì sẽ ra sao nếu đàn ông mặc chúng?”
Những tác nhân thay đổi
Một nghiên cứu tiến hành năm 2013 của Liên Hợp Quốc ở châu Á cho thấy gần một nửa trong số 10.000 người được phỏng vấn tại 6 quốc gia - bao gồm Indonesia - đã sử dụng bạo lực về thể chất hoặc tình dục với bạn gái/vợ, trong khi gần một phần tư số đó đã hãm hiếp một phụ nữ hoặc cô gái.
Theo bà Risya Kori, một chuyên gia về bình đẳng giới của LHQ, có văn phòng tại Indonesia, giải thích rằng khuynh hướng bạo lực tình dục rất phổ biến ở những nền văn hóa nơi mà người đàn ông được tôn vinh và họ cảm thấy uy quyền khi được thống trị về mặt tình dục.
Quỹ Dân số, một trong những cơ quan của Liên Hợp Quốc đã tài trợ cho nghiên cứu năm 2013, cho biết những nhóm đàn ông tham gia vào cuộc chiến chống bạo lực đối với phụ nữ sẽ có "tác dụng tích cực."
Sáng kiến thành lập Liên minh Những Người Đàn Ông Mới mới là một trong những ví dụ nhằm mục đích lôi kéo nam giới trên toàn thế giới tham gia vào việc giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.
Ở Colombia chẳng hạn, những nhóm người đàn ông đã tổ chức những buổi biểu diễn, dùng âm nhạc để thách thức định kiến giới.
Và ở Mozambique lại có cách tiếp cận khác. Hàng ngàn thanh thiếu niên nam đã vào bếp để thử thách sự tự tôn nam giới.
Những hoạt động như vậy rất cần được tổ chức ở Indonesia, nơi mà nhiều hành động vi phạm quyền phụ nữ bị coi là bình thường.
Sahude nói, ban đầu Liên minh Những Người Đàn Ông Mới bị gắn mác là lũ ẻo lả vì đề cập đến các vấn đề của phụ nữ nhưng giờ mọi thứ đang dần thay đổi, ngày càng có nhiều người đàn ông muốn trở thành thành viên của liên minh.
Tại một trong các buổi đào tạo hàng tháng của Liên minh được tổ chức tại thủ đô Jakarta, anh Fajar Zakhri 24 tuổi là một trong số những thanh niên tìm đến nhóm để chủ động tìm hiểu về bạo lực giới tính.
Được nuôi dưỡng bởi một người mẹ độc thân, Zakhri nói nữ quyền là "mối quan tâm của tất cả mọi người" và anh hy vọng nhiều người đàn ông sẽ cùng lên tiếng về vấn đề này.
Một dịch giả tự do đã nói: "Nếu tôi có thể thay đổi dù chỉ một người thôi, thì đó là một thành công rồi. Mình tôi không thể thay đổi cả thế giới, nhưng nếu mỗi người có thể ra chút sức thì sẽ làm được điều đó”.
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đây là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ, còn nam giới thường là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, không có ngoại lệ về giàu- nghèo hay trình độ học vấn. Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục, và cụ thể như sau: Nhóm 1, nhóm hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Nhóm 2, hành vi bạo lực về thể chất hay thể xác: bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng. Nhóm 3, nhóm hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình hay cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hoặc là kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Nhóm 4, nhóm hành vi bạo lực về tình dục: gồm có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục. |
MINH MINH (Theo NST)
Xem thêm video:
[mecloud]sOvx7bUDJH[/mecloud]