Gần đây, trang Ctwant đưa tin về trường hợp đặc biệt của ông Trương ở Vũ Hán (Trung Quốc). Theo đó, mỗi khi ông Trương ăn uống, mắt trái của ông sẽ tự động chảy nước mắt không rõ lý do.
Nước mắt chảy ra một cách không thể kiểm soát, chỉ đến khi ông Trương ngừng ăn thì hiện tượng kỳ lạ mới dừng lại. Được biết, tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2021, mỗi lần ông Trương ăn lâu một chú thì trên mặt lại “chan chứa nước mắt”.
Hiện tượng lại gây ra nhiều chuyện bất tiện và phiền phức, thậm chí khiến ông Trương không dám ra ngoài ăn tiệc với bạn bè và họ hàng. Quá bất lực trước tật “khóc vô tội vạ” của mình, ông Trương quyết định đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Bác sĩ kiểm tra mắt cho người đàn ông.
Theo bác sĩ Trình Miễn Chinh, chủ nhiệm khoa Mắt tại một bệnh viện ở Vũ Hán, chỉ cần ông Trương thực hiện hoạt động nhai ở miệng thì quá trình tiết nước mắt sẽ diễn ra mạnh, tuyến lệ của mắt trái hoạt động mạnh gấp 3 lần mắt phải.
Bác sĩ Trình giải thích, hiện tượng của ông Trương được gọi là “hội chứng chảy nước mắt cá sấu”, có liên quan mật thiết với việc ông bị liệt mặt trước đó. Cụ thể, quá trình hồi phục liệt mặt đã tác động tới hoạt động của tuyến lệ mắt trái, sợi dây thần kinh phát triển quá mạnh từ cơ hàm nối liền với tuyến lệ, gây ra hiện tượng khóc không lý do khi ăn.
Biết được nguyên nhân, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho ông Trương, nhờ đó chứng bệnh lạ được cải thiện một cách rõ rệt. Các chuyên gia cho biết, nếu có triệu chứng liệt mặt mà chậm điều trị hoặc để bệnh trở nặng thì có thể dẫn đến di chứng là “hội chứng chảy nước mắt cá sấu”.
Theo bác sĩ Tống Ái Quần, Phó trưởng khoa Châm cứu Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hồ Bắc, tương tự như đột quỵ, liệt mặt là một bệnh cần chú ý đến thời điểm điều trị, chữa càng sớm thì hiệu quả càng cao.
“Co thắt mạch xung quanh dây thần kinh mặt sẽ gây ra xung huyết cục bộ và phù nề. Chỉ có kiểm soát sự biến tính của thần kinh thì về sau chữa trị mới hiệu quả”, bác sĩ Tống Ái Quần nói.
Đinh Kim (T/h)