Theo NY Breaking, người đàn ông 47 tuổi giấu tên đến từ Texas (Mỹ) bị nhiễm vi khuẩn gây viêm dây thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực. Căn bệnh khởi phát với triệu chứng sốt, đô mồ hôi ban đêm và đau đầu, khiến anh nghĩ mình lại mắc COVID-19.
Người đàn ông sử dụng thuốc hạ sốt nhằm làm giảm các triệu chứng. Sau nhiều làn xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, anh quyết định đến gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ càng hơn và được chẩn đoán bị “hậu COVID-19”.
Tuy nhiên, trên đường lái xe trở về, người đàn ông đột nhiên bị mất thị lực bên mắt trái nên vội vã đến phòng cấp cứu gần nhất, sau đó được đưa vào khoa Mắt. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm màng não.
Khi nghe người đàn ông nói rằng anh nhận nuôi một con mèo cách đây 2 tháng và thường xuyên bị cào, các bác sĩ nghi ngờ anh mắc bệnh mèo cào. Các xét nghiệm đã xác nhận anh nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae.
Thị lực mắt trái của người đàn ông giảm xuống còn 2/10, có nghĩa anh chỉ có thể nhìn rõ vật ở trong phạm vi khoảng 6,1m. Các bác sĩ đã kê đơn kháng sinh kéo dài 6 tuần cho người đàn ông, sau đó anh được xuất viện.
Người đàn ông đột ngột mất thị lực mắt trái sau khi bị mèo cào. Ảnh minh họa: Shutterstock
Khi tái khám, người đàn ông cho biết anh đã hết sốt và nhức đầu. Thị lực mắt trái của anh cũng đã phục hồi ở mức 6,5/10 hoặc gần mức thị lực bình thường 10/10. Thông tin về ca bệnh này đã được đăng tải trên tạp chí American Journal of Case Reports.
“Điều quan trọng là phải nhận biết nhiễm khuẩn Bartonella henselae khi bệnh nhân có biểu hiện sốt và thay đổi tầm nhìn. Sở dĩ như vậy là do Bartonella có thể gây mất thị lực không đau và là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dây thần kinh truyền nhiễm.
Việc nhận biết và điều trị sớm tình trạng này là điều cần thiết để ngăn ngừa mất thị lực và rút ngắn thời gian phục hồi”, TS Rania Saxena – bác sĩ tại Trung tâm Đại học Bắc Texas (thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ), cũng là người đứng đầu báo cáo về ca bệnh nói.
Bệnh mèo cào là gì?
Bệnh mèo cào do vi khuẩn Bartonella henselae từ mèo gây bệnh cho người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 40% mèo nhiễm vi khuẩn này ít nhất một lần trong đời, bị lây qua vết cắn của bọ chét và phổ biến nhất ở mèo con. Sau đó, nó có thể truyền sang người qua vết trầy xước.
Phòng khám Cleveland thông tin, khoảng 12.000 người ở Mỹ mắc bệnh mèo cào mỗi năm. Bệnh hiếm khi gây ra các triệu chứng ở mèo nhưng ở người, dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện trong khoảng 3-14 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Các triệu chứng gồm khu vực xung quanh vết xước bị sưng và đỏ có mủ, sốt, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể gây viêm ở các cơ quan nội tạng, dẫn đến các vấn đề như giảm thị lực và thay đổi hành vi.
Mất thị lực xảy ra với khoảng 1-2% trường hợp mắc bệnh, khi nhiễm trùng dẫn đến viêm thần kinh – võng mạc hoặc viêm dây thần kinh thị giác, ảnh hưởng đến thị lực. Tình trạng này thường sẽ khỏi sau khi điều trị nhưng một số trường hợp có thể bị mù vĩnh viễn.
Các bác sĩ tin rằng vi khuẩn có thể đi theo đường máu đến dây thần kinh thị giác, tiếp đó lây nhiễm vào các tế bào lót mạch máu trong dây thần kinh và gây viêm. CDC Mỹ cho biết, mọi người nên làm những việc sau để tránh mắc bệnh mèo cào:
- Rửa ngay vết cắn và vết cào của mèo bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
- Rửa sạch tay sau khi chơi với mèo.
- Đừng đối xử thô bạo với mèo nhà.
- Tránh để mèo liếm vào vết thương hở.
- Không chạm vào mèo hoang hoặc mèo đi lạc.
- Điều trị cho mèo nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bọ chét.
Đinh Kim (Theo NY Breaking)