(ĐSPL) - Thời gian gần đây, người dân Miền Tây liên tục bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Thống kê chưa chính thức đã có vài chục trường hợp bị rắn cắn. Trước sự bùng phát của rắn lục đuôi đỏ, người dân đã nghĩ ra nhiều cách ứng phó nhưng không mấy hiệu quả.
Thông tin với chúng tôi, đại diện lãnh đạo bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận các bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Tính sơ bộ, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã điều trị đến 7 trường hợp trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang…
Một trong những ca tiêu biểu là trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Minh Tiến (8 tuổi, ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Các bác sĩ cho biết cháu Tiến nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tay chân sưng phù, rối loạn đông máu… Người nhà kể lại cháu bị rắn lục tấn công khi đang vui chơi trong nhà. Thấy cháu liên tục kêu đau nhức, tay chân sưng phù, người nhà vội vàng đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu.
Một bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho hay: “ Thời gian gần đây, các trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ tấn công có phần tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ tấn công là do các cháu chưa nhận thức được độ nguy hiểm của loài rắn này. Do trẻ con hiếu kỳ nên khi gặp rắn trong nhà, không có người lớn can ngăn, các bé thường dùng tay bắt chúng nên bị cắn. Mới đây là trường hợp một cậu bé ở Hậu Giang bị rắn cắn vì khi thấy rắn bò vào nhà, cháu dùng chân đạp và bị rắn tấn công”.
Rắn lục đuổi đỏ. Ảnh minh họa. |
Không chỉ tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, thời gian gần đây, nhiều người dân đi làm đồng, làm rẫy, phát cây cũng bị rắn cắn phải nhập viện. Một trong những địa phương có tình trạng rắn lục đuôi đỏ tấn công người nhiều đến mức “báo động” là huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Từ đầu năm 2015 đến nay, địa phương này đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Trước tình trạng trên, người dân hết sức lo lắng.
Bà Trần Thị Nga (33 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Không biết vì sao gần đây rắn lục đuôi đỏ từ đâu đến nhiều vô kể, không cẩn thận là bị chúng cắn ngay. Hôm trước tôi ra chặt vài nhánh cây phía sau nhà, trong lúc chặt, sơ ý bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay. Sau đó tôi cảm giác khó thở và chỗ bị cắn sưng phù lên nhanh chóng. Người nhà vội đưa tôi nhập viện và phải nằm điều trị hàng tuần liền”.
Một trong những hạn chế là nhiều người dân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của rắn lục đuôi đỏ, nên khi bị chúng tấn công hầu hết chỉ tiến hành sơ cứu và chữa trị thủ công. Điều này hết sức nguy hiểm bởi theo nhận định của các chuyên gia, khi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nếu không chữa trị đúng cách, kịp thời dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Văn Danh (53 tuổi, xã Tân Thiềng, huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Khoảng 2 tuần trước, tôi đang làm đồng thì bị rắn đuôi đỏ cắn. Do chưa biết hết sự nguy hiểm của loài rắn này nên tôi chỉ dùng trứng gà để hút nọc và đi đắp lá thuốc ở nhà một thầy chữa rắn cắn xã bên. Tuy nhiên, sau đó vết thương ngày càng sưng to hơn, tôi liên tục bị choáng và thấy khó thở nên người nhà chở đi bệnh viện. Các bác sĩ nói chỉ cần tôi nhập viện trễ thêm một vài giờ đồng hồ nữa thì nguy hiểm đến tính mạng”.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, chủ nhiệm khoa Tiêu hóa và bệnh máu – Bệnh viện Quân Y 121 TP. Cần Thơ cho biết: “Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng bệnh viện điều trị 10 ca bị rắn cắn. Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, số ca bệnh tăng đột biến, chủ yếu là bị rắn lục đuôi đỏ cắn”.
Cách nào đối phó?
Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ liên tục xuất hiện và tấn công người dân, một số địa phương đã triển khai đồng bộ khá nhiều biện pháp nhằm chống chọi với rắn lục đuôi đỏ, trong đó có việc tuyên truyền về sự nguy hiểm của loài rắn này. Ngoài ra, còn tiến hành phát quang bụi rậm, dọn dẹp lại cảnh quan xung quanh nhà để tránh tạo nơi ẩn náu cho loài rắn này. Đối với một số nơi phát sinh dư luận là “có kẻ xấu thả rắn hại dân”, chính quyền ở địa phương thường xuyên tuyên truyền, tránh tin đồn gây hoang mang dư luận.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Minh Cước, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có gần 20 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phải nhập viện. Loại rắn này xuất hiện khá nhiều tại các khu vườn có cây rậm rạp”.
Theo nhận định của nhiều người dân ở đây thì với địa thế đặc biệt của một số tỉnh miền Tây, việc ấn náu và sinh sản của loài rắn này hết sức thuận lợi. Chúng thường ẩn náu và sinh sản trong những vườn trái cây hoặc quanh vườn nhà nên rất khó tiêu diệt triệt để.
Ngoài những biện pháp trên, người dân một số tỉnh miền Tây còn mua một số loại quả hoặc cây trồng có vị cay, đem về giã, rắc bã xung quanh nhà nhằm xua đuổi rắn.
Theo khảo sát của chúng tôi, cùng với sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ, nhu cầu mua hành, tỏi tây cũng tăng vọt. Bởi theo bí quyết được truyền miệng thì rải hoặc trồng những loại rau, củ trên trong nhà sẽ phòng tránh được rắn lục đuôi đỏ. Liên quan đến việc phòng chống rắn lục đuôi đỏ, chúng tôi đã liên hệ với Phó giáo sư - Tiến sĩ Quang Bính (Bệnh viện Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy).
Bác sĩ Bính đưa ra một số lời khuyên như sau: “Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, việc đầu tiên nên hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể. Không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Không nên cột thắt đoạn trên của chân tay theo quan niệm dân gian nhằm hạn chế độc chạy về tim…”.
Về cách phòng chống rắn vào nhà, Bác sĩ Bính cũng cho hay, theo kinh nghiệm dân gian thì người ta thường trải cây nén hoặc những cây có tinh dầu vào gầm giường, xung quanh nhà để khi rắn ngửi được mau chóng tránh xa hoặc trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần.
PHƯỚC SƠN
Bài đã được đăng trên báo Pháp luật và Cuộc Sống – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật.
Xem thêm video:
[mecloud]zOVywePSEX [/mecloud]