Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người cha miền Tây và hành trình 12 năm làm "đôi chân" cho con đến trường

(DS&PL) -

Trời miền Tây có dù mưa dầm dề hay nắng đổ lửa, người cha già vẫn cõng con trai phía sau, băng qua cánh đồng lúa chín vàng để chạm tay đến cánh cổng tri thức.

Một nhà triết gia nổi tiếng từng nói rằng: "Trên Trái Đất này không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha dành cho con mình". Và tình yêu đó càng chạm đến trái tim của tất cả mọi người thông qua câu chuyện xúc động về một cặp cha con tại ở TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tại ngôi nhà ọp ẹp của ông Mai Ngọc Tuyết (57 tuổi) ở xã, không có vật dụng gì đáng giá ngoại trừ những tấm giấy khen của em Mai Khánh Tân (21 tuổi, con trai ông Tuyết), được dán trên tường.

Khi sinh ra, Tân là đứa trẻ kháu khỉnh, hoạt bát, nhanh nhẹn. Lên 5 tuổi, biến cố ập đến với em. Tân bị sốt cao, người nhà đưa vào bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán em bị viêm não Nhật Bản.

"Lúc đó, gia đình tôi đem Tân lên bệnh viện tỉnh cấp cứu, cả người con nóng bỏng, phải thở máy. Khi ấy bác sĩ bảo, bệnh này rất nguy hiểm, khả năng sống sót thấp, tôi chỉ biết cầu trời khẩn phật cho con tai qua nạn khỏi. Sau nhiều ngày nằm viện, con tỉnh lại nhưng thành bại liệt", ông Tuyết tâm sự với Dân trí.

Ngày đó, gia đình ông Tuyết thuộc dạng có của ăn của để, bao nhiêu năm làm lụng, ông cũng dành dụm mua được vài mảnh vườn. Để cứu con, ông bán hết ruộng đất và căn nhà khi đó, gia đình khánh kiệt dần. Khoảng 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện, Tân được cho về nhà. Thế nhưng, đôi chân, cánh tay nhanh nhẹn ngày nào của em giờ đã không còn. Bàn tay trái co gắp, đôi chân bị liệt khiến Tân không thể di chuyển bình thường.

Khoảng một năm sau khi Tân bị bại liệt, vợ ông vì thấy cảnh nhà nheo nhóc, con trai tàn tật, không chịu nổi khổ cực nên "dứt áo ra đi". 

"Trong cuộc sống này, người quan trọng nhất đối với em là cha. Chắc không có cha, em sẽ không được nuôi lớn, được đi học như bây giờ. Tình yêu thương của cha dành cho em rất lớn. Hồi đó, em cảm thấy rất tủi thân. May mắn em còn có tình yêu thương vô bờ bến của cha. Đây là động lực lớn nhất trong cuộc đời của em", em Tân chia sẻ trên Vietnamnet.

Mặc dù hạn chế về sức khỏe nhưng Tân vẫn có khát khao lớn là được đến trường đi học. Thấy con hiếu học, ông Tuyết đã quyết định trở thành đôi chân cho con trai bất chấp nhiều khó khăn.

Để con có thể tiếp tục ước mơ đến trường, ông Tuyết chẳng nề hà việc gì, ai mướn gì là làm đó, bất kể công việc có khó khăn, nặng nhọc ra sao. Thường thường, ban ngày người cha sẽ đi phụ hồ, làm cỏ thuê..., tối lại đi đánh cá, bẫy ếch. Tất cả tiền kiếm được ông đều dành dùm để lo cho cuộc sống của hai cha con.

Từ ngày đầu Tân vào lớp 1 đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cha chính là đôi chân đưa em tới trường. Dù là ngày nắng hay ngày mưa, 2 cha con đều cùng nhau đi học. Suốt thời gian 12 năm học, ngôi trường mà Tân theo học đều cách nhà khoảng 4-5 km. Và ròng rã suốt 12 năm trời ấy, trên những con đường gập ghềnh, khó đi của miền Tây sông nước đều in dấu chân của người cha vĩ đại này.

"Thấy con ham học nên dù nắng, dù mưa gió cỡ nào tôi cũng ráng đưa con đến trường. Có hôm Tân bệnh tôi không muốn đánh thức nhưng con giật mình tỉnh dậy, soạn vội tập sách rồi hối tôi đèo nhanh đến trường. Đến lớp có muộn nhưng con bảo không muốn nghỉ cả buổi, mất kiến thức.

Vất vả nhất là môn tin học, phòng học lúc nào cũng ở tầng cao, khi ấy hai cha con dìu nhau bò lên chứ tôi cũng không cõng nổi thằng nhỏ", ông Tuyết bộc bạch.

Ông nói, có một lần hai cha con đi qua cây cầu cũ, giữa đường cầu gãy làm ông và Tân rơi xuống sông. Ngoài ra, có lần trên đường đưa con đi học, ông Tuyết bị tai nạn giao thông khiến sức khỏe yếu đi. Cũng lần tai nạn đó ông mất một ngón chân.

"Lúc cha bị tai nạn, em sợ lắm. Em sợ cha bỏ em đi. Mong ước của em là sau này có công việc ổn định để lo cho cha lúc tuổi già", Tân nói trong nghẹn ngào. Đối với Tân, cha chính là nguồn động lực lớn nhất để em không bao giờ có ý định "gãy gánh" việc học giữa chừng.

Không phụ lòng cha, hiện tại, Tân đã trở thành sinh của trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, ngành Tin học. Mặc dù phải đi học chậm hơn 2 năm so với bạn bè đồng trang lứa do ảnh hưởng của bệnh, thế nhưng trong học kỳ vừa qua, Tân vẫn đạt học lực loại giỏi với mức điểm 3.22/4.0. Mặc dù trường cách nhà khoảng 10km, thế nhưng Tân đã có thể tự mình đi đến trường, nhờ chiếc xe 3 bánh cũ được cha vay tiền để mua lại.

Để thuận tiện cho việc học tập, mong muốn của Tân hiện tại là có tiền để mua máy tính và trang trải học phí. Rất nhiều người sau khi biết đến hoàn cảnh của hai cha con đã ngỏ lời giúp đỡ để Tân có được điều kiện học tập tốt nhất.

Cuộc sống phía trước có lẽ vẫn sẽ còn nhiều trở ngại, khó khăn đối với hai cha con. Thế nhưng điều quý giá và hạnh phúc nhất lúc này đó là Tân có cha ở bên và sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ em thực hiện ước mơ của mình.

Ảnh: VTV Digital, Vietnamnet

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật