Kiev một mực cho rằng Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh dựa trên việc Moskva “lên gân” lực lượng vũ trang dọc biên giới với Ukraine cũng như sáp nhập Crimea vào năm 2014, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là bề ngoài và thực tế Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một hội nghị ở thủ đô Moskva ngày 21/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tổng giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga Andrey Kortunov nhận định: “Tất cả là bởi các lệnh trừng phạt”. Trong 2 năm qua, Nga phải chịu nhiều thiệt thòi do lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu do vậy Điện Kremlin muốn gây chú ý nhằm mở đường cho con đường ngoại giao.
Lãnh đạo của các nước châu Âu tuyên bố biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ nếu thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện nghiêm túc. Vậy nhưng trên thực tế chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai tiếp tục “giao lưu bằng súng đạn” đồng thời cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tiếp đó, trong thời gian qua quan hệ Ukraine và Nga lại trở nên “nóng rực” khi ngày 10/8 vừa qua Moskva tuyên bố bóc trần âm mưu khủng bố của Kiev tại Crimea. Tổng thống Putin còn cho biết đã có hai nhân viên an ninh Nga thiệt mạng khi đụng độ với những đối tượng do chính phủ Ukraine cử đến Crimea.
Kiev lập tức phủ nhận cáo buộc của Điện Kremlin và cho rằng đây là sự kiện để Nga viện cớ châm ngòi cho chiến tranh. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng không đứng ngoài lề mà lên tiếng cho rằng không có bằng chứng cho tuyên bố của Nga.
Sau sự kiện này, Nga đã có những động thái khiến Mỹ và EU dè chừng như ông Putin nhóm họp khẩn cấp Hội đồng An ninh còn Bộ Quốc phòng Nga thì lên kế hoạch cho Hạm đội Biển Đen tập trận ở Địa Trung Hải chuẩn bị cho tình thế bị "tấn công khủng bố”.
Các nhà phân tích cho rằng ông Putin đang lấy vụ lùm xùm liên quan đến Crimea này làm nước đi đầu nhằm vào hiệp định Minsk để kết thúc các lệnh trừng phạt đang bủa vây Nga.
Ông Alexander Baunov tại trung tâm Moskva Carnegie phân tích Nga muôn gửi thông điệp đến Mỹ cùng các nước EU rằng họ luôn nói không có giải pháp quân sự cho vấn đề Crimea và Donbass, vậy thì hãy đưa ra hiệp định hòa bình. Nếu Mỹ và EU không thể làm được điều đó, Nga có quyền tự đi theo đường hướng của mình.
Còn việc tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự Nga, các chuyên gia phân tích rằng Tổng thống Putin đang muốn kéo sự thu hút của quốc tế về Đông Ukraine và những thiếu sót trong tiến trình thực hiện thỏa thuận hòa bình tại đây.
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]dtboTnU0mx[/mecloud]